AD

U nang buồng trứng có nhất thiết phải mổ hay không?

AD

U nang buồng trứng có nhiều loại khác nhau, có loại cần mổ có loại không. Vậy để làm rõ loại u nang nào cần mổ, các bạn có thể theo dõi giải đáp chi tiết ở bài viết dưới đây.

Các loại u nang buồng trứng thường gặp

U nang buồng trứng là một khối chứa dịch lỏng, nhầy hoặc rắn hỗn hợp như bã đậu hình thành bất thường ở trên hoặc trong buồng trứng. U nang buồng trứng có các loại chủ yếu sau đây:

(1) U nang cơ năng: Đa phần u nang buồng trứng là u nang cơ năng. Đây là loại u nang sinh lý lành tính hình thành do sự rối loạn nội tiết tố gây ra.  U nang cơ năng được chia làm 3 loại nhỏ hơn gồm có: u nang noãn, u nang hoàng thể, u nang hoàng tuyến.

(2) U nang thực thể: U nang thực thể hình thành như là kết quả của sự phát triển những tế bào bất thường trong buồng trứng. Đây là loại u bệnh lý có nguy cơ tiến triển thành ung thư buồng trứng hay gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. U nang thực thể được chia là 3 loại nhỏ gồm: u nang nước, u nang bì và u nang nhầy.

(3) U nang lạc nội mạc tử cung: U nang này hình thành do tế bào niêm mạc tử cung bị bong tróc nhưng không đào thải ra ngoài mà đi lạc lên buồng trứng và tiếp tục phát triển tại đó gây ra u nang.

AD

Xem chi tiết về các loại u nang trong bài viết: U nang buồng trứng là gì và có những loại nào?

Trường hợp nào u nang buồng trứng không cần mổ?

Sau khi siêu âm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ cho bạn biết u nang có phải mổ không và nên làm gì tiếp theo.

Thông thường u nang lành tính ngay khi được phát hiện chưa cần mổ ngay. Khối u sẽ được theo dõi thêm từ 2 – 3 chu kỳ kinh nguyệt, thường là 60 ngày. Bạn cần quay lại bệnh viện tái khám định kỳ theo lịch của bác sĩ để kiểm tra tình trạng tiến triển của khối u. Nếu những khối u này tự biến mất thì chúng chỉ là những u nang cơ năng sinh lý, điều đó có nghĩa là bạn sẽ không cần phải thực hiện phẫu thuật hay điều trị gì thêm.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm đơn thuốc nội tiết tố (đa phần là thuốc tránh thai) để ngăn ngừa những u nang mới hình thành trong tương lai.

Trường hợp nào u nang buồng trứng cần phải mổ?

U nang buồng trứng sẽ được chỉ định mổ trong những trường hợp sau đây:

➤ Nếu sau thời gian theo dõi, u nang không có dấu hiệu teo nhỏ mà lại tiếp tục phát triển hay có những diễn biến phức tạp khác thì bác sĩ sẽ khuyên bạn nên mổ sớm để đề phòng biến chứng.

➤ Người bệnh có u nang buồng trứng kích thước lớn. Thông thường, u nang có kích thước >5cm nhất là >8cm sẽ được xem xét mổ dù là u nang cơ năng hay u thực thể. Một số u nang có thể phát triển kích thước rất to tương tự như kích thước của một quả dưa hấu. Khi u nang quá lớn, nó sẽ chèn ép vào các nội tạng lân cận và gây ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan này vì thế cần được loại bỏ ngay.

Hình ảnh ca phẫu thuật để loại bỏ một khối u nang buồng trứng có kích thước rất lớn.

➤ Người bệnh có u nang lạc nội mạc tử cung. Thông qua siêu âm, nếu phát hiện người bệnh có một khối u nang lạc nội mạc tử cung thì cũng cần mổ. Vì loại u nang này có thể là ung thư rất cao mà lại hay xuất hiện ở những phụ nữ trẻ, nếu không điều trị sớm thì bệnh nhân sẽ bị vô sinh và nhiều biến chứng nguy hại khác.

➤ U nang thực thể, đặc biệt là u nang nhầy và u nang quái thì cần loại bỏ sớm.

➤ U nang có ở cả hai bên buồng trứng.

➤ U nang là ung thư hoặc có dấu hiệu ung thư. Trong trường hợp, nghi ngờ u nang của bệnh nhân là ung thư thì các bác sĩ cũng sẽ can thiệp ngay để bóc tách hết phần u nang ác tính, ngăn ngừa di căn để bảo toàn mạng sống cho bệnh nhân. Một vài trường hợp nghiêm trọng tế bào ung thư có ở cả 2 bên buồng trứng thì bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng, vòi trứng và các mô phụ trợ xung quanh. Khi đó, người bệnh sẽ không còn khả năng sinh sản nữa.

➤ Nếu những phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh không còn nguyện vọng sinh sản thì nếu phát hiện có u nang các bác sĩ sẽ chỉ định mổ và cắt bỏ buồng trứng để ngăn chặn tái phát.

AD

➤ U nang có dấu hiệu vỡ hoặc xoắn. Đây là 2 biến chứng rất nguy hiểm. U nang vỡ hoặc xoắn sẽ gây ra mất máu cấp tính, viêm phúc mạc cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời người bệnh sẽ có thể mất đi tính mạng. Ở phụ nữ mang thai, nếu đột ngột bị 2 biến chứng này thì cũng phải can thiệp ngay lập tức, có thể sẽ không giữ được thai nhi, nhưng nguyên tắc đầu tiên vẫn là đảm bảo cho tính mạng của người mẹ được an toàn.

Có thể bạn muốn biết: Bà bầu bị u nang buồng trứng thì nên xử lý thế nào?

Có những phương pháp mổ nào với bệnh u nang buồng trứng?

Hiện nay có 2 phương pháp chủ yếu trong phẫu thuật điều trị u nang buồng trứng đó là:

Mổ nội soi

Phẫu thuật nội soi là thủ thuật ít xâm lấn, chủ yếu áp dụng với trường hợp u nang buồng trứng lành tính, có kích thước nhỏ từ 5 -10cm, nằm ở vị trí dễ can thiệp.

Bệnh nhân sẽ được gây tê và gây mê trước khi thực hiện. Kĩ thuật nội soi được thực hiện với dụng cụ chuyên biệt và một vết rạch rất nhỏ. Sau khi mổ nội soi, vì thuốc tê đã hết nên bệnh nhân sẽ thấy hơi đau nhưng không quá khó chịu, cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi. Người bệnh cần lưu trú thêm tại bệnh viện từ 1 -2 ngày để theo dõi.

Kỹ thuật mổ nội soi thường được áp dụng phổ biến với những ca có u nang buồng trứng đơn giản, phương pháp này đảm bảo tính thẩm mỹ cao, ít để lại biến chứng hơn, bệnh nhân có thời gian phục hồi nhanh chóng.

Mổ hở

Mổ hở áp dụng với trường hợp bệnh nhân có khối u bị vỡ, xoắn, khối u nang có kích thước lớn >10cm, u bị ung thư hóa.

Các bác sĩ sẽ tiến hành mổ mở bằng đường rạch dọc hoặc ngang bụng dưới người bệnh. Phương pháp này sẽ dễ tiếp cận được với u nang và giúp bác sĩ loại bỏ chính xác hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn nhiều hơn so với Kỹ thuật mổ nội soi, đồng thời biến chứng để lại và thời gian phục hồi sẽ có thể nhiều hơn.

Mổ u nang buồng trứng có tái phát không?

Theo thống kê có 25% bệnh nhân bị tái phát u nang buồng trứng sau phẫu thuật. Trong quá trình mổ, bác sĩ không bóc tách được tận gốc các khối u hoặc bỏ sót những u nang nhỏ trong buồng trứng thì khả năng bệnh sẽ có nguy cơ tái phát cao.

Hơn nữa, nếu không cẩn thận bệnh nhân có thể gặp phải nhiều di chứng sau khi mổ như là nhiễm trùng, chảy máu…Do đó việc chọn lựa và tin tưởng vào đội ngũ chuyên gia y tế có kinh nghiệm sẽ là điều rất quan trọng để ca phẫu thuật thành công. Bệnh nhân sau khi được điều trị vẫn cần tái khám thường xuyên để theo dõi sức khỏe của buồng trứng và có hướng  xử lý kịp thời nếu u nang có dấu hiệu phát triển trở lại.

Xem thêm: Chi phí mổ u nang buồng trứng có đắt không, nên điều trị ở đâu?

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×