AD

Bị rong kinh và đau bụng dưới có sao không?

AD

Dạo gần đây em hay bị rong kinh, có khi kéo dài tới 10 ngày. Trước kia, em chỉ bị đau bụng dưới nhẹ 1 – 2 ngày đầu có kinh nguyệt, nhưng bây giờ cảm giác đau tăng mạnh hơn, đau cả trước và trong những ngày hành kinh, kèm theo ra máu kinh nhiều và kéo dài. Em rất mệt mỏi trong những ngày này, không làm được gì hết. Liệu có phải em bị gì hay không ạ? Mong chuyên gia cho em câu trả lời.

(Hà Thanh, 28 tuổi)

Trả lời

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới đội ngũ chuyên gia của chúng tôi.

Với câu hỏi này, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Rong kinh và đau bụng kinh là do đâu?

AD

Rong kinh là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ những trường hợp hành kinh kéo dài quá 7 ngày (máu kinh có thể ít hoặc nhiều).

Đau bụng kinh (trong Đông y gọi là thống kinh) là thuật ngữ y khoa nói về tình trạng đau bụng trước hoặc trong thời gian hành kinh, được gây ra bởi các cơn co thắt của tử cung.

Đau bụng kinh được chia làm 2 loại, đó là:

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Là đau bụng kinh sinh lý, phổ biến trong tuổi dậy thì, mức độ đau bình thường, ở ngưỡng chịu đựng được. Sau 2 – 3 năm thì tình trạng này sẽ dần giảm bớt.
  • Đau bụng kinh thứ phát: Là những cơn đau nghiêm trọng ở vùng bụng dưới, thậm chí cảm giác đau có thể lan ra sau lưng hay dưới đùi. Nguyên nhân đa phần là do bệnh lí. Tình trạng đau bụng dữ dội có thể kèm theo nhiều triệu chứng khác như là: chân tay lạnh, toát mồ hôi, bủn rủn, buồn nôn, máu kinh ra nhiều, ra không đều, máu kinh màu đen, kèm theo các cục máu đông…

Bạn nói rằng dạo gần đây bạn bị rong kinh và đau bụng kinh nhiều hơn, điều đó chứng tỏ cơ thể đang gặp trục trặc ở đâu đó. Bạn đã 28 tuổi, nên những biểu hiện liên quan tới rối loạn sinh lý ở giai đoạn đầu của thời kỳ sinh sản hầu như là không còn.

Rong kinh và đau bụng kinh có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Để làm rõ vấn đề, bạn cần phải thăm khám cụ thể, thực hiện những xét nghiệm cần thiết thì mới kết luận chính xác được.

Nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ liệt kê những nguyên nhân thường gặp có thể là lý do gây rong kinh và đau bụng kinh nhiều ở phụ nữ, bạn cần nắm được:

1.1. Lạc nội mạc tử cung

Chỉ tình trạng niêm mạc tử cung không trôi ra ngoài theo máu kinh hàng tháng mà lại đi lạc đến những bộ phận khác trong vùng chậu như là vòi trứng, buồng trứng, trực tràng,…

Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân phổ biến gây rong kinh và đau bụng kinh nhiều ở nữ giới. Nếu không điều trị kịp thời, phụ nữ có thể đối diện với nguy cơ bị viêm vùng chậu mãn, phải chịu những cơn đau vùng chậu suốt đời, thậm chí là vô sinh.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này đó là:

  • Phụ nữ chưa trải qua sinh nở
  • Vòng kinh ngắn (dưới 27 ngày)
  • Phụ nữ mãn kinh muộn
  • Gia đình có mẹ hoặc chị/ em gái mắc bệnh này
  • Cơ thể quá gầy
  • Có bất thường trong hệ thống sinh sản
  • Từng can thiệp thủ thuật tại tử cung

1.2. Lạc tuyến nội mạc tử cung

Lạc tuyến nội mạc tử cung (còn gọi là bệnh cơ tuyến tử cung) chỉ tình trạng các mô tuyến trong nội mạc tử cung xuất hiện và phát triển trong lớp cơ tử cung. Ở điều kiện bình thường, các mô tuyến này chỉ hình thành ở lớp lót nội mạc tử cung, chúng có chu kỳ phát triển và thoái triển theo chu kỳ của nội tiết tố nữ (tạo ra hiện tượng hành kinh). Nếu các mô tuyến này di chuyển vào trong cơ tử cũng sẽ hình thành lên bệnh lí bất thường.

Nguyên nhân của bệnh này chưa được phân tích rõ ràng, nhưng người ta cho rằng phụ nữ thực hiện các thủ thuật can thiệp vào tử cung thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

AD

Triệu chứng chủ yếu của lạc tuyến nội mac tử cung cũng giống như lạc nội mạc tử cung, đó là tình trạng rong kinh kéo dài, ra nhiều máu kinh (cường kinh), kèm theo các cơn đau quặn ở vùng chậu trong thời gian hành kinh, thậm chí là đau khi giao hợp.

Bệnh lí này cũng làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn hoặc sảy thai, sinh non ở những bà mẹ đang mang thai.

1.3. U xơ tử cung

U xơ tử cung là sự tăng trưởng bất thường của các mô cơ và mô sợi hình thành trong hoặc trên thành tử cung. Những cục u này có thể phát triển ở bề mặt bên trong và bên ngoài tử cung, cũng như bên trong thành tử cung.

U xơ tử cung phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bởi sự phát triển của nó chịu ảnh hưởng bởi estrogen và progesterone. Vì thế, đây là điều dễ hiểu tại sao loại khối u này lại không xuất hiện ở phụ nữ đã mãn kinh.

Có 3 loại u xơ tử cung chính, trong đó, u xơ dưới niêm mạc (Submucosal fibroids) có khả năng gây rong kinh nghiêm trọng nhất. U xơ nằm trong thành tử cung (Intramural fibroids) cũng có thể gây rong kinh. Còn lại, u xơ dưới màng thanh mạc (Subserosal fibroids) phát triển ở bề mặt ngoài của tử cung và thường không phải là lý do gây rong kinh.

➠ Xem lý giải tại sao u xơ tử cung gây rong kinh trong bài viết này

1.4. Viêm vùng chậu

Là một dạng bệnh nhiễm trùng xảy ra với các cơ quan sinh dục nằm ở phía trên, bao gồm: tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phần phụ.

Viêm vùng chậu có thể làm vòi trứng kết dính, gẫy gập, rối loạn chức năng giải phóng trứng tại buồng trứng, từ đó kinh nguyệt không đều. Người bệnh có thể bị rong kinh, trễ kinh, đau bụng kinh và nhiều triệu chứng khác.

1.5. Các nguyên nhân hiếm gặp khác

  • Bất thường tại cơ quan sinh dục: Hẹp cổ tử cung, dị tật bẩm sinh ở âm đạo, tử cung…
  • Do thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh sản nội tiết (đặt vòng, dùng thuốc tránh thai, phá thai…)
  • Do ung thư tử cung hoặc cổ tử cung
  • Do lối sống, chế độ ăn uống, stress…
  • Do rối loạn chức năng tuyến giáp

2. Rong kinh và đau bụng kinh được chẩn đoán thế nào?

Rong kinh và đau bụng kinh lâu ngày khiến cho chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ giảm sút, gây ra nhiều bất tiện nhiều trong sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng tới tâm lý. Người bệnh có thể bị thiếu máu, cơ thể gầy yếu, dễ mắc phải các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nếu như không chú ý vấn đề vệ sinh vùng kín.

Do đó, khi xuất hiện triệu chứng bạn không nên chủ quan, hãy nhanh chóng tới các phòng khám phụ khoa uy tín hoặc bệnh viện để thực hiện các biện pháp xét nghiệm cần thiết.

Hiện nay, trong công tác chẩn đoán phụ khoa, người ta áp dụng chủ yếu là kỹ thuật siêu âm và nội soi để quan sát những bất thường bên trong tử cung, buồng trứng, giúp phát hiện sớm nguyên nhân.

AD

Nếu hình ảnh siêu âm chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, thì bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI để có kết luận chính xác hơn. Phương pháp này đặc biệt hữu dụng trong phân biệt lạc tuyến nội mạc cổ tử cung dạng khu trú hay lan tỏa hoặc xác định bề rộng của các khối u trong tử cung, bồng trứng. Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ có chi phí khá cao, vì vậy phải trong những trường hợp thật cần thiết mới nên sử dụng.

Sau đây là một số biện pháp chẩn đoán khác thường được áp dụng khi muốn tìm nguyên nhân của rong kinh và đau bụng kinh, đó là:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap)
  • Soi buồng tử cung
  • Soi tươi dịch âm đạo tìm vi khuẩn
  • Nạo sinh thiết từng phần ống cổ tử cung và niêm mạc tử cung

3. Bạn nên làm gì để cải thiện tình hình?

Sau khi được chẩn đoán tình trạng bệnh, bạn nên tin tưởng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của người có chuyên môn.

Để cải thiện tình trạng rong kinh và giảm đau bụng kinh tại nhà, bạn có thể làm những việc như sau:

  • Đắp bụng 20 – 30 phút bằng túi chườm ấm
  • Tắm với nước ấm
  • Uống nước gừng để cải thiện tình trạng co thắt tử cung gây đau bụng
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
  • Nhớ giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên hơn trong thời kỳ “đèn đỏ”, không quan hệ vợ chồng vào những ngày rong kinh.
  • Nên chọn lựa chất liệu đồ lót có tính thấm hút và co giãn tốt, để thấm hút mồ hôi, chống bí bách.
  • Cải thiện tình trạng rong kinh với một số món ăn (xem chi tiết: 8 món ăn bổ dưỡng, dễ làm để giảm bớt rong kinh)

Trên đây là toàn bộ giải đáp của Benhuxo.vn về vấn đề của bạn. Nếu còn bất kì thắc mắc nào liên quan tới rong kinh hay đau bụng kinh, bạn có thể để lại comment dưới chân bài viết này hoặc gọi điện đến tổng đài 18001591 để được hỗ trợ sớm nhất. Hy vọng rằng, tình trạng của bạn sẽ sớm được giải quyết. Chúc bạn mau khỏe!

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×