U nang buồng trứng là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ tuổi sinh sản. Nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, ngay cả thời điểm các bé gái dậy thì. Hàng năm, nhiều bệnh viện ghi nhận không ít trường hợp các bé gái từ 13 – 15 tuổi phải nhập viện để điều trị u nang buồng trứng. Nếu như phát hiện chậm trễ, những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khả năng sinh sản, thậm chí là tính mạng của các em.
U nang buồng trứng là gì? Nguy hiểm thế nào?
U nang buồng trứng sinh ra do rối loạn chức năng buồng trứng, các tế bào phân chia bất thường hình thành lên một túi chứa dịch lỏng hoặc hỗn hợp phức tạp, trên bề mặt của buồng trứng.
U nang buồng trứng có thể phát triển theo nhiều kích thước khác nhau, có khi chỉ vài mm giống như một hạt đậu, nhưng nếu phát triển lâu năm, khối u có thể đạt tới kích thước vài chục cm, trông giống như quả dưa hấu lớn.
95% trường hợp u nang nằm ở một bên của buồng trứng, chỉ có khoảng 5% u nang tồn tại ở đồng thời cả hai bên buồng trứng.
Mặc dù vậy nhưng 90% u nang buồng trứng là dạng lành tính, có lớp vỏ trơn láng, bên trong là dịch. Hầu hết chúng có thể tự thoái triển theo thời gian mà không cần can thiệp y tế. Tuy vậy, vẫn có một số lượng nhỏ u nang thực thể sẽ tồn tại lâu hơn. Nếu như không được phát hiện kịp thời, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như là xoắn u nang, vỡ u nang hay chèn ép nội tạng, thậm chí là u nang hóa ác (chưa tế bào ung thư). Cụ thể:
(1) Biến chứng xoắn u nang: những u nang lớn, nặng, có cuống dài thì dễ bị xoắn lại. Triệu chứng khi u nang bị xoắn đó là xuất hiện cơn đau dữ dội và đột ngột ở vùng bụng dưới, cơ thể choáng váng, chảy mồ hôi, kèm theo nôn mửa…U nang xoắn gây hoại tử mạch máu tại khối u, nếu xoắn nhiều vòng nó có thể vỡ ra và gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nhất là với những khối u có nhiều dịch như u nang nhầy.
(2) Biến chứng vỡ u nang: các u nang mềm, có kích thước lớn, nhiều dịch lỏng bên trong dễ bị vỡ nếu có sự tác động của ngoại lực lớn (chấn thương, va đập, lao động nặng, giao hợp thô bạo…) hoặc các u xoắn nhiều vòng. U nang bị vỡ gây chảy máu và có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời sẽ có thể đe dọa đến tính mạng. U nang càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao.
(3) U nang dính và chèn ép các tạng xung quanh: Với những khối u có kích thước lớn, chúng có thể gây ảnh hưởng tới những cơ quan nằm sát nó:
- U nang chèn ép trực tràng gây táo bón, mót đại tiện.
- U nang chèn ép bàng quang, niệu quản gây rối loạn tiểu tiện (tiểu nhiều lần, bí tiểu…)
- U nang to tiến triển trong nhiều năm choán hết ổ bụng chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù…
Điều này đặc biệt ảnh hưởng với những phụ nữ đang mang thai. U nang to chiếm hết không gian phát triển của thai nhi, có nguy cơ sảy thai, sinh non, đẻ con nhẹ cân. Để loại bỏ u nang an toàn, thì bà bầu cần phải chờ tới thai tháng thứ 4 – 6 để phẫu thuật, đây là thời điểm phù hợp nhất nhằm tránh nguy cơ sảy thai. Nếu có biến chứng xoắn u nang thì cần mổ ngay, càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho thai phụ.
(4) U nang ác tính: Mặc dù chỉ có khoảng 1 – 2% u nang buồng trứng có nguy cơ chuyển biến thành ung thư nhưng phụ nữ vẫn cần hết sức lưu tâm đến biến chứng này. Theo các chuyên gia sản khoa, u nang càng to, càng có nhiều nhú trên bề mặt lớp vỏ của nó thì nguy cơ ung thư càng cao. Các ca u nang buồng trứng ác tính được ghi nhận ở trẻ em dậy thì đa phần là u nang bì chưa trưởng thành. Trường hợp này, thường phải cắt bỏ buồng trứng để tránh di căn nếu khối u có ở một bên. Đặc những trường hợp nghiêm trọng, u nang có cả 2 bên buồng trứng đã chuyển thành ung thư thì cần mổ để cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng và tử cung để tránh di căn tới các vùng lân cận.
Vì sao u nang buồng trứng có ở tuổi dậy thì?
Khi bước vào tuổi dậy thì, hệ trục nội tiết bao gồm vùng hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng bắt đầu hoạt động. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi những trục trặc nho nhỏ, khiến cho hệ nội tiết “làm việc” chưa thực sự ổn định. Các nang trứng trong buồng trứng có thể phát triển không hoàn thiện, không đồng đều, khó hấp thụ dinh dưỡng nên bị khiếm khuyết. Cùng với đó, sự phát triển quá mức của thể vàng (một đơn vị chức năng riêng của buồng trứng) cũng là lý do phổ biến gây ra u nang buồng trứng. Tuy nhiên, đa phần đây là những dạng u nang cơ năng lành tính, có thể biến mất sau 2 – 3 kỳ kinh nguyệt mà không cần điều trị gì.
U nang buồng trứng có thể phát triển ngay từ khi thai nhi còn trong bụng mẹ, và phát triển với tốc độ rất chậm, đó là u nang bì buồng trứng. Những u nang này thường được phát hiện khá muộn, ở tuổi thanh thiếu niên hoặc trưởng thành mới có biểu hiện. (Xem chi tiết: U nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh xử lý thế nào?)
Do ảnh hưởng từ tính di truyền nên nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái đã từng bị u nang buồng trứng thì bé gái sinh ra cũng có nguy cơ bị mắc bệnh này.
Biểu hiện u nang buồng trứng ở tuổi dậy thì
U nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa rất phổ biến, song biểu hiện của chúng thì rất mơ hồ, ngay cả với các bé gái ở độ tuổi dậy thì. Những u nang nhỏ thì hầu như không có triệu chứng gì. Khi u nang phát triển lớn hơn, một vài bé có thể thấy đau bụng râm râm ở vùng chậu (dưới rốn). Nếu dùng tay nắn vào vùng chậu, phía 2 bên buồng trứng có thể thấy cục cứng nổi lên cho thấy sự xuất hiện của u nang.
Triệu chứng chung của bệnh:
- Đau âm ỉ bụng dưới, nếu u lớn hoặc xảy ra biến chứng có thể gây đau quặn
- Bụng to khác thường, mặc dù nhiều khi cơ thể bé rất gầy
- Hay đầy hơi, chướng bụng
- Da tái xanh
- Có thể kèm theo sốt
- Kinh nguyệt không đều
- Tiểu rắt, tiểu buốt, táo bón
Dấu hiệu của u nang buồng trứng rất khó nhận biết, nhất là ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, các triệu chứng thường giống với nhiều chứng bệnh thông thường khác như rối loạn tiêu hóa, đau ruột thừa. Nên khi cha mẹ thấy con có biểu hiện như vậy thì ít khi nghi ngờ rằng con đã bị u nang buồng trứng.
Để biết được chắc chắn sự tồn tại của u nang trong buồng trứng thì cần phải thực hiện siêu âm hoặc chụp Xquang vùng bụng, vùng chậu, xét nghiệm sàng lọc ung thư (CA 125, AFP, βhCG). Do đó, cha mẹ không được chủ quan khi con có bất kì biểu hiện khác lạ nào, cần phải nhanh chóng đưa bé tới các cơ sở y tế thăm khám để làm rõ nguyên nhân. Điều trị từ sớm sẽ giúp hạn chế tối đa tổn thương cho buồng trứng và sức khỏe của bé.
U nang buồng trứng ở các bé gái tuổi dậy thì nên xử lý thế nào?
U nang buồng trứng tuy phổ biến, nhưng đa phần lại là u nang lành. Nếu được phát hiện sớm, kích thước còn rất nhỏ thì bệnh nhân chưa cần phải phẫu thuật ngay. Biện pháp trước tiên là theo dõi qua 3 kỳ kinh liên tiếp để đánh giá sự tiến triển của khối u. Nếu như khối u tự teo đi thì không cần điều trị. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc nội tiết nhằm ức chế sự phát triển của khối u này.
Đọc thêm: Có u nang nhỏ khoảng 15mm thì nên điều trị ra sao?
Hiện nay, có rất nhiều ca bệnh u nang buồng trứng ở bé gái tuổi dậy thì được phát hiện khá muộn, khi đưa bé tới bệnh viện khối u đã có kích thước khá lớn hoặc bị biến chứng. Như vậy, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, những khối u này bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật (mổ hở hoặc mổ nội soi theo tùy từng tình trạng riêng).
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phức tạp, có xâm lấn, nên tồn tại nhiều rủi ro trong và sau khi mổ. Không những vậy chi phí điều trị cũng tốn kém hơn, sức khỏe của bệnh nhân sau điều trị sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Chính vì thế, lưu tâm đến sức khỏe của con cái và chủ động đưa các bé đi kiểm tra định kỳ là nguyên tắc quan trọng giúp ngăn ngừa sớm ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh, bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của bé.