AD

Tại sao u nang buồng trứng xuất hiện ở trẻ sơ sinh?

AD

Những tưởng rằng u nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành, thế nhưng thật bất ngờ, khối u này cũng có thể tồn tại ở trẻ sơ sinh. Vậy, tại sao u nang buồng trứng xuất hiện ở trẻ sơ sinh? Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị tình trạng này?

Nguyên nhân u nang buồng trứng xuất hiện ở trẻ sơ sinh

Theo bác sĩ  Vũ Mạnh Hoàn – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, u nang buồng trứng được chia làm 2 dạng là dạng nang và dạng u đặc, trong đó lại có hai loại u buồng trứng phổ biến nhất là u nang thanh dịch buồng trứng và u quái buồng trứng.

  • U nang thanh dịch: Là một khối u chứa dịch lỏng bên trong, lớp vỏ bên ngoài khá mỏng, u thường là lành tính, có cuống dài, đôi khi có thể phát triển tới kích thước lớn, choán hết ổ bụng. Nếu như u nang này có nhiều nhú ở trên bề mặt vỏ thì chúng có thể là dấu hiệu của ung thư.
  • U quái (u nang bì): là một khối rắn chắc, với lớp vỏ dày và trơn láng. U nang bì có nguồn gốc từ các tế bào mầm tổng hợp (một noãn bào sơ cấp). Bên trong u nang chứa nhiều cấu trúc phức tạp như răng, tóc, da, xương, sụn…

Buồng trứng là một bộ máy hoạt động phức tạp. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã có thể bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố của người mẹ truyền qua nhau thai. Vì thế, các khối u nang buồng trứng có thể hình thành từ rất sớm do rối loạn nội tiết tố từ người mẹ truyền sang.

U nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Ở trẻ nhỏ, u nang thường chỉ tồn tại ở một bên của buồng trứng (rất hiếm khi xảy ra ở đồng thời cả buồng trứng trái và buồng trứng phải).

Tỉ lệ trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi được phát hiện có u nang buồng trứng không hề thấp. Mặc dù vậy, 90% các trường hợp phát hiện có u nang buồng trứng đều là ở dạng lành tính. Hầu hết các trường hợp này đều không chỉ định phẫu thuật ngay mà cần tiếp tục theo dõi. Đa phần, các khối u sẽ thoái triển theo thời gian.

AD

Tìm hiểu thêm: U nang buồng trứng nhỏ 15mm thì điều trị thế nào?

Các chuyên gia sản khoa vẫn khuyến cáo với các bậc cha mẹ phải hết sức cảnh giác với bệnh phụ khoa này. Khối u phải được phẫu thuật nếu như kích thước lớn > 5cm. Một khi phát hiện chậm trễ, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nếu tình trạng của bé không được phát hiện kịp thời thì có thể xảy ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, tương tự như biến chứng gặp ở người lớn đó là hiện tượng vỡ u nang, xoắn u nang hay thậm chí là hóa ác tính. Cụ thể:

U nang xoắn: U nang xoắn lại khiến bé bị đau bụng dữ dội. Lúc này, mạch máu nuôi dưỡng u nang bị tắc nghẽn dẫn tới hoại tử. Nếu u xoắn nhiều vòng sẽ dễ bị vỡ ra và gây xuất huyết ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng.

U nang vỡ: Thường xảy ra khi u nang buồng trứng bị xoắn nghiêm trọng hoặc bị ngoại lực tác động, chèn ép mạnh. Đây là tình trạng cấp cứu cần phải can thiệp ngoại khoa ngay lập tức. Nếu không được cứu chữa kịp thời, thì u vỡ ra sẽ khiến trẻ bị mất máu cấp và nhiễm khuẩn phúc mạc cấp do dịch tràn khắp ổ bụng, trẻ có nguy cơ tử vong cao.

U nang hóa ác: U nang buồng trứng có khả năng chuyển thành ung thư nếu chủ quan không điều trị. Ung thư buồng trứng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và hệ thống sinh sản của trẻ.

Theo thống kê tại bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tháng, trung bình tại khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện thường tiến hành phẫu thuật gần chục ca u nang buồng trứng ở trẻ em. Khi biến chứng đã xảy ra, bác sĩ buộc lòng phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ bên buồng trứng có u nang, như vậy chức năng sinh sản sau này của bé cũng sẽ ảnh hưởng phần nào.

Các bà mẹ khi mang thai mà được chẩn đoán tình trạng tiểu đường hoặc tiền sản giật hay bất đồng nhóm máu Rhesus thì con đẻ ra có nguy cơ bị u nang buồng trứng cao hơn, so với các bà mẹ khỏe mạnh.

Làm sao để phát hiện sớm u nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh?

Phát hiện sớm u nang buồng trứng ở đối tượng trẻ sơ sinh thực ra là điều khá khó khăn, bởi hầu hết u nang có tốc độ phát triển rất chậm, nhất là u nang bì, thế nên các triệu chứng khá khiêm tốn và mơ hồ. Hơn nữa, bé còn rất nhỏ, chưa thể nói được nên nếu thấy khó chịu thì cũng chỉ biểu hiện bằng cách bỏ bú, quấy khóc.

Thế nên, nếu như mẹ thấy bé hằng ngày vẫn ăn ngon, ngủ đều đặn nhưng thấy rằng thói quen ăn ngủ của con bị thay đổi, bé hay quấy khóc, bú ít, nôn trớ, bụng căng chướng, khó ngủ, hay lên cơn sốt thì phải đưa bé tới bệnh viện kiểm tra ngay. Thực ra, những biểu hiện này rất dễ nhầm lẫn với các lý do thông thường khác ở trẻ nhỏ ví dụ như con bú không hợp sữa, con bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa hoặc một số bệnh lý như lồng ruột, viêm ruột thừa. Nhưng quan trọng hơn hết, cha mẹ không được chủ quan hay lơ là các triệu chứng bất thường của con. Cách tốt nhất để phát hiện sớm u nang buồng trứng là cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn.

Điều trị u nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh

Khi bé có những biểu hiện nghi ngờ là u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để kiểm tra rõ hơn. Để khẳng định chính xác xem liệu có sự tồn tại của một khối u trong buồng trứng không thì cần phải thực hiện siêu âm vùng chậu, vùng bụng để có kết luận chính xác, đồng thời loại bỏ những nguyên nhân không liên quan.

AD

Vì trẻ sơ sinh là đối tượng rất nhạy cảm, nên việc áp dụng phương pháp điều trị ra sao cần được xem xét kỹ lưỡng. Tùy theo mức độ và tình trạng bệnh của trẻ, các chuyên gia y tế sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

Theo đó, với những khối u còn nhỏ thì phải theo dõi thêm để đánh giá sự tiến triển của khối u. Bởi như đã nói ở trên, mặc dù u nang có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh nhưng đa phần lại là u lành tính, có thể tiêu biến mà không cần điều trị. Trong trường hợp u quá lớn (thông thường kích thước >5cm) thì sẽ được sắp xếp lịch mổ. Đặc biệt, nếu u khối u xảy ra biến chứng vỡ hay xoắn thì bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay.

U nang buồng trứng có thể được loại bỏ bằng hai phương pháp là:

(1) Mổ nội soi, thường áp dụng với u nang có kích thước nhỏ dưới 10cm, u lành và nằm ở vị trí dễ can thiệp. Hiện nay đa số các ca mổ bóc tách u nang buồng trứng áp dụng kỹ thuật này (Xem chi tiết các bước can thiệp mổ hở u nang buồng trứng trong bài viết này)

(2) Mổ hở, thường áp dụng với những khối u có kích thước lớn, u ác tính hay xảy ra biến chứng nguy hiểm. (Xem chi tiết các bước can thiệp mổ hở u nang buồng trứng trong bài viết này)

Để trẻ sớm phục hồi sau mổ, bạn cần lắng nghe chỉ dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc bé. Nếu như, bé có những biểu hiện nhiễm trùng xảy ra tại vết thương hay các biểu hiện bất thường khác thì cần phải thông báo cho bác sĩ ngay để kịp thời ứng phó. Tuyệt đối không tự ý tìm cách xử lý.

Hi vọng rằng qua bài viết trên, các bậc phụ huynh sẽ nắm được nhiều hơn kiến thức về bệnh u nang buồng trứng ở trẻ sơ sinh để có cách xử lý đúng và kịp thời khi con có các dấu hiệu của bệnh. Cha mẹ cần thường xuyên cho con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm khối u hay những tổn thương thực thể khác để điều trị đúng cách.

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×