AD

Mọi điều cần biết về u nang buồng trứng ác tính

AD

U nang buồng trứng ác tính là biến chứng nguy hiểm của u nang buồng trứng, thường nằm trong top đầu những bệnh ung thư phụ khoa phổ biến ở nữ giới.

Hiểu đúng về U nang buồng trứng ác tính

Hầu hết u nang buồng trứng là dạng lành tính. U nang buồng trứng ác tính còn được gọi là ung thư buồng trứng. Tỉ lệ u nang buồng trứng chuyển thành ác tính rất nhỏ chưa đầy 2%. Phụ nữ mãn kinh thường có nguy cơ bị biến chứng ác tính u nang cao hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chủ quan trước biến chứng này.

Ung thư buồng trứng có tính chất diễn biến rất nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào ác tính sẽ di căn sang những cơ quan lân cận khác gây rối loạn chức năng của những cơ quan này và nguy hại đến tính mạng, khi đó việc khống chế để loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư vô cùng khó khăn.

U nang buồng trứng có nhiều loại khác nhau (xem chi tiết các loại u nang buồng trứng Tại đây) nhưng u nang lạc nội mạc tử cung và u nang thực thể có nguy cơ biến chứng ác tính cao hơn.

Ung thư buồng trứng nằm trong top đầu những bệnh ung thư phụ khoa có tỉ lệ tử vong cao nhất Việt Nam. Ở nước ta, mỗi năm ghi nhận khoảng 1.200 trường hợp bị ung thư buồng trứng, số người sống thêm 5 năm chưa đầy 45%.

Dấu hiệu nhận biết u nang buồng trứng ác tính

AD

Giống như u nang buồng trứng lành tính, các u nang ác tính thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Các chị em sẽ khó cảm nhận được ngay cả khi đi khám sức khỏe. Đó là lí do vì sao ung thư u nang buồng trứng khó phát hiện ở giai đoạn sớm.

Các triệu chứng của u nang buồng trứng ác tính có thể bao gồm:

Đau vùng chậu: cơn đau âm ỉ diễn ra thường xuyên ngay cả khi không có kinh nguyệt. Cơn đau có thể lan rộng ra sau lưng và dưới đùi. Chị em nên đi khám phụ khoa ngay khi có biểu hiện này.

Đi tiểu thường xuyên: do khối u lớn chèn ép vào bàng quang gây rối loạn tiểu tiện mà không phải do uống nhiều nước

Táo bón hoặc chướng bụng: do khối u lớn chèn ép trực tràng gây rối loạn đại tiện

Bụng phình to: thông thường u nang buồng trứng có kích thước <10cm, nhưng những u nang ác tính cao thì có thể phát triển kích thước rất lớn khiến nhiều phụ nữ lầm tưởng là mình đang tăng cân hoặc có thai.

Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, thường bị rong kinh

Suy nhược cơ thể: Cơ thể mệt mỏi, các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất trong đường tiêu hóa bị hủy hoại khiến cho người bệnh cảm thấy ăn không ngon miệng, ăn nhanh no, hay nôn mửa nên dễ bị sút cân, gầy yếu.

Đau rát âm đạo khi giao hợp, có thể chảy máu âm đạo bất thường:  u nang buồng trứng ác tính phát triển kích thước quá lớn có thể tụt lại phía sau tử cung gây đau mỗi khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, những u nang ác tính có căn nguyên từ tình trạng lạc nội mạc tử cung cũng có thể gây đau và chảy máu khi giao hợp vì chúng nằm gần tử cung hơn.

Làm sao để chẩn đoán u nang buồng trứng ác tính?

Thông thường các xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh như siêu âm đầu dò hoặc quét cộng hưởng từ MRI có thể cho chúng ta biết được một u nang là lành tính hay ác tính. Thông qua các hình ảnh thu nhận được, một khối u nang ác tính sẽ có thể có những đặc điểm sau:

  • Kích thước: U nang buồng trứng ác tính thường có kích thước rất lớn > 10cm, có khi khối u nang to bằng quả dưa hấu hoặc thậm chí là lớn hơn.
  • Về hình dạng: u nang ác tính có vỏ ngoài sần sùi, nhiều nhú (thường ít nhất là 4 nhú), nhú càng nhiều nguy cơ ung thư càng cao.
  • Tính chất: u nang cứng, đặc, u nang có vách ngăn dày 2 -3mm, u nang nằm ở một vị trí cố định, không di động thường là phía sau tử cung.

(Phân biệt với u nang lành tính: u lành tính có kích thước nhỏ, vỏ ngoài mỏng và trơn nhẵn, không nhú, u nang không có vách ngăn và dễ di động)

AD

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác để đưa ra kết luận chính xác u nang buồng trứng có phải là ung thư hay không, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra nồng độ kháng nguyên CA -125, nếu nồng độ này cao hơn bình thường thì có thể tiên lượng là ung thư
  • Sinh thiết tế bào u nang để chẩn đoán ung thư

Các giai đoạn phát triển u nang buồng trứng ác tính

U nang buồng trứng ác tính hay nói cách khác là ung thư buồng trứng thường phát triển qua 4 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Tế bào ung thư mới chỉ tồn tại trong buồng trứng, chưa lây lan ra những cơ quan khác. Nếu phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn này, thì 90% bệnh nhân có cơ hội sống trên 5 năm.

Giai đoạn 2: Tế bào ung thư có thể bám dính sang các cơ quan lân cận như là tử cung, vòi trứng, đại trực tràng và các mô xương chậu khác. Tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm ở giai đoạn này là 70% bệnh nhân.

Giai đoạn 3: Tế bào ung thư lây lan mạnh mẽ hơn đến toàn bộ 2 buồng trứng, hệ thống bạch huyết, thậm chí có thể di căn đến các nội tạng ở xa như là gan, lá lách. Theo thống kê có khoảng 51% bệnh nhân ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn này.

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng, việc điều trị sẽ vô cùng có khăn và cơ hội sống sót thấp vì các tế bào ác tính có thể được tìm thấy trong chất lỏng xung quanh phổi, di căn vào tận xương và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Các phương pháp điều trị u nang buồng trứng ác tính

Hầu hết u nang buồng trứng là lành tính, có rất ít khả năng chúng sẽ chuyển thành ác tính. Nhưng dù là loại nào thì khi phát hiện bản thân có u nang phụ nữ nên có kế hoạch điều trị sớm nhằm tránh biến chứng ung thư và nhiều mối nguy hại khác.

Hiện nay, u nang buồng trứng ác tính chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp sau:

Phẫu thuật

Đây là phương pháp thường được chỉ định đầu tiên đối với bệnh nhân bị u nang buồng trứng ác tính. Để đảm bảo công tác phẫu thuật diễn ra hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết trước đó.

Nếu u nang ác tính được phát hiện sớm và chỉ có ở một bên buồng trứng thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở để cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng để ngăn chặn tế bào ung thư lây lan sang những vùng lân cận giúp bảo toàn buồng trứng còn lại.

AD

Nếu ung thư buồng trứng có ở cả hai bên buồng trứng thì phải loại bỏ toàn bộ 2 buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, hạch bạch huyết hay một phần mô mỡ.

Phần cắt bỏ có thể ít hơn nếu u nang buồng trứng ác tính được phát hiện từ giai đoạn sớm, giúp giữ lại cơ hội sinh sản cho phụ nữ.

Sau phẫu thuật, u nang buồng trứng ác tính vẫn có nguy cơ tái phát cao, do đó bệnh nhân cần tiếp tục thực hiện các phương pháp điều trị khác như là hóa trị, xạ trị để tiêu diệt tận gốc mầm mống ung thư.

Hóa trị

Tế bào ung thư có thể bị sót lại sau phẫu thuật sẽ được loại bỏ bằng phương pháp hóa trị. Các loại thuốc chuyên biệt được sử dụng để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ác tính, những thuốc này được tiêm vào tĩnh mạch hay tiêm khoang bụng, tùy theo tình hình phát triển của u nang ác tính.

Nhìn chung, chu kỳ hóa trị sẽ được chia thành từng đợt khác nhau, bệnh nhân sẽ có một khoảng thời gian nghỉ nhất định – khoảng thời gian này được quy định theo từng phác đồ điều trị cụ thể.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi hóa trị là: rụng tóc, chán ăn, buồn nôn, suy nhược cơ thể…

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp áp dụng các hạt hoặc tia sóng có năng lượng cao như là: tia X, tia Gamma, các chùm tia điện tử, proton…để bắn phá, tiêu diệt các tế bào ung thư.

Những bệnh nhân bị ung thư buồng trứng ác tính giai đoạn cuối thì thường được áp dụng phương pháp này. Xạ trị là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả khá tích cực và an toàn. Tuy nhiên, giống như nhiều phương pháp điều trị ung thư khác, xạ trị cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ không mong muốn như là: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, teo da, khô da, viêm da, rối loạn đại -tiểu tiện…

Lưu ý: phụ nữ có thai bị u nang buồng trứng ác tính không được áp dụng phương pháp điều trị này.

Làm sao để ngăn ngừa u nang buồng trứng chuyển thành ác tính?

Dù là u nang buồng trứng lành hay ác tính, nếu điều trị muộn sẽ gây ra những hệ lụy ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và tính mạng của phụ nữ. U nang buồng trứng lành tính không điều trị kịp thời cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như vỡ u nang, xoắn u nang.

Vì vậy điều quan trọng để ngăn ngừa u nang buồng trứng ác tính là phát hiện và điều trị khi u nang còn ở dạng lành tính. Ngoài ra, điều trị từ sớm những bệnh phụ khoa có nguy cơ biến chứng thành u nang như là lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu,… có thể giúp phụ nữ ngăn ngừa nguy cơ hình thành u nang buồng trứng ác tính trong tương lai.

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×