AD

Rong kinh kéo dài – dấu hiệu, nguyên nhân và cách chữa

AD

Rong kinh (tiếng anh: Menorrhagia) là thuật ngữ y học mô tả tình trạng chảy máu kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt. Rong kinh không chỉ gây ảnh hưởng tới vấn đề sinh hoạt, công việc thường ngày của phụ nữ, mà còn có thể gây ra nhiều mối nguy tiềm ẩn khác như là thiếu máu, suy nhược cơ thể, vô sinh – hiếm muộn.

Rong kinh là gì?

Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 21 – 35 ngày (phổ biến nhất là 28 – 32 ngày), thời gian hành kinh trung bình là 3 – 7 ngày. Tuy nhiên, nếu thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày thì được coi là bị rong kinh. Lượng máu kinh có thể tiết ra nhiều, ít hoặc bình thường. Nhưng đa phần, rong kinh hay đi kèm với cường kinh (tình trạng chảy máu nhiều trong kỳ “đèn đỏ”).

Rong kinh là một trong những kiểu rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ.

 ☛ Tìm hiểu thêm thông tin: Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ

Cách nhận biết triệu chứng của rong kinh 

Người bị rong kinh có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Cứ 1 -2 h, bạn lại phải thay một miếng băng vệ sinh mới do máu chảy quá nhiều.
  • Một ngày có khi bạn phải dùng tới 7 – 8 miếng băng vệ sinh, thậm chí phải thức dậy vào ban đêm nhiều lần để thay.
  • Bạn thường xuyên phải sử dụng băng vệ sinh loại ban đêm.
  • Số ngày “đèn đỏ” dài hơn 1 tuần.
  • Kinh nguyệt có lẫn nhiều cục máu đông, thậm chí là đổi màu sắc bất thường.
  • Bạn ngại vận động do máu tràn ra liên tục.
  • Đôi khi tình trạng rong kinh cũng đi kèm với những cơn đau bụng dữ dội.
  • Các triệu chứng xuất hiện khi phụ nữ bị rong kinh kéo dài: da mặt trắng bợt, nhợt nhạt, tụt huyết áp, mệt mỏi hay thở dốc.

Nguyên nhân khiến phụ nữ bị rong kinh kéo dài

Do rối loạn nội tiết

Khi quá trình sản xuất các hormone nội tiết bị mất cân bằng thì nội mạc tử cung sẽ dày lên quá mức và bong ra khiến thời gian hành kinh bị kéo dài. Người ta gọi trường hợp rong kinh do rối loạn nội tiết là rong kinh cơ năng.

AD

Nội tiết tố hoạt động bất ổn nhất là ở đầu và cuối thời kỳ sinh sản. Chính vì thế nữ giới thường bị rong kinh ở lứa tuổi dậy thì hoặc giai đoạn tiền mãn kinh.

Do các tổn thương thực thể

Các tổn thương thực thể tại đường sinh dục: Những bệnh lý phụ khoa như là viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung là lý do hàng đầu khiến các chị em bị rong kinh.

Các bệnh lý toàn thân: Các bệnh lý toàn thân khác như là rối loạn đông máu, suy giáp, viêm gan mãn tính, suy thận mãn tính, đái tháo đường, bệnh tim, bệnh lupus đỏ, cũng là nguyên nhân gây ra rong kinh.

Do các yếu tố nguy cơ khác

  • Việc sử dụng một số loại thuốc nhất định có nguy cơ gây ra tác dụng phụ rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ bị rong kinh hoặc băng kinh nhiều ngày, bao gồm: Thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm, thuốc chống đông máu (Coumadin, Jantoven, Enoxaparin ), thuốc chữa tiểu đường...
  • Phụ nữ bị thừa cân, béo phì, sinh con nhiều lần hoặc từng bị sảy thai dễ bị rong kinh, ra máu bất thường giữa kỳ kinh.
  • Đặt vòng tránh thai giúp kiểm soát sinh sản, nhưng cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, phụ nữ bị trễ kinh hoặc rong kinh kéo dài.

vong-tranh-thai-gay-rong-kinh

Rong kinh gây ra những ảnh hưởng gì?

(1) Ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày: Các triệu chứng của rong kinh gây ra nhiều bất tiện trong công việc, sinh hoạt của phụ nữ. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng về mặt tâm lý, khi phụ nữ luôn có cảm giác ẩm ướt, kém sạch sẽ tại vùng nhạy cảm, e ngại chuyện “vợ chồng”.

(2) Thiếu máu: Nếu lượng máu mất đi nhiều sẽ gây ra thiếu máu về lâu về dài. Cơ thể sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, gầy yếu và suy nhược. Dấu hiệu thiếu máu, thiếu sắt do rong kinh thường là da nhợt nhạt, khó thở, tụt huyết áp thường xuyên, cơ thể mệt mỏi.

(2) Tăng nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục: Máu kinh luôn kèm theo một lượng vi khuẩn nhất định trong âm đạo, do đó nếu tình trạng chảy máu kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Nếu các chị em không quan tâm hơn trong vấn đề vệ sinh vùng kín thì vi khuẩn từ bên ngoài có thể lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung, lên vòi trứng gây viêm phần phụ hay thậm chí là gây vô sinh sau này.

(4) Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản: Rong kinh kéo dài khiến các cặp vợ chồng khó xác định được thời điểm phù hợp để thụ thai, nhất là những ngày rụng trứng. Do đó, tỉ lệ mang thai sẽ giảm xuống.

Chẩn đoán rong kinh

 

Trong thực tế, để đo lượng máu mất đi trong một kỳ “đèn đỏ” là điều rất khó khăn. Do đó, việc chẩn đoán phụ nữ bị rong kinh đa phần dựa trên những triệu chứng bất thường về chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân.

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử của bạn để chẩn đoán bệnh. Các câu hỏi có thể là:

  • Chu kỳ kinh nguyệt lần gần đây nhất của bạn kéo dài bao lâu? Số ngày chảy máu là mấy ngày?
  • Bạn thường phải thay bao nhiêu miếng băng vệ sinh mỗi ngày?
  • Bạn bắt đầu có kinh nguyệt lần đầu tiên từ khi nào?
  • Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có gặp triệu chứng bất thường nào không?
  • Bạn có thấy đau bụng nhiều hay không?
  • Bạn có thấy máu kinh vón cục hay đổi màu không?
  • Bạn đã từng quan hệ tình dục chưa?
  • Bạn đã lập gia đình chưa? Bạn đã có con chưa?
  • Bạn có từng sử dụng biện pháp tránh thai nào không?
  • Bạn có tiền sử mắc bất kì một bệnh nào không?
  • Gia đình bạn có ai bị tiểu đường, rối loạn đông máu hay không?
  • Bạn có đang sử dụng bất kì loại thuốc nào thời gian gần đây không?
AD

Các dấu hiệu toàn thân thông qua khám thực thể cần được quan tâm, vì nó có thể gợi mở đến triệu chứng của những bệnh lý toàn thân gây ra rối loạn kinh nguyệt như là tiểu đường, bệnh gan, rối loạn ăn uống và rối loạn đông máu…

Bác sĩ cũng có thể sờ nắn vùng bụng dưới kiểm tra xem có dấu hiệu đau hay có các tổn thương thực thể trong đường sinh dục hay không (polyp, u nang, u xơ…).

Sau khi trải qua khám lâm sàng thì tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, thăm dò để cho đánh giá chính xác nhất.

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap)
  • Siêu âm đầu dò âm đạo hoặc siêu âm đường bụng
  • Soi buồng tử cung
  • Soi tươi dịch âm đạo tìm vi khuẩn
  • Nạo sinh thiết từng phần ống cổ tử cung và niêm mạc tử cung
  • Dùng que thử thai

Cách chữa rong kinh kéo dài

Nguyên tắc điều trị

Quá trình điều trị chứng rong kinh là nhằm mục đích điều hòa chu kỳ kinh nguyệt bình thường, ngăn chặn tình trạng chảy máu kéo dài giúp hỗ trợ sinh sản và nâng cao sức khỏe. Việc xác định phương pháp điều trị phù hợp cần phụ thuộc vào những điều sau:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân và tiền sử bệnh lý y khoa trước đó.
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Nguyên nhân rong kinh là nguyên nhân thực thể hay cơ năng.
  • Khả năng đáp ứng với thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.
  • Nguyện vọng sinh sản của người bệnh và các mong muốn khác.

Điều trị nội khoa:

Điều trị nội khoa cho bệnh rong kinh có thể bao gồm:

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc kháng viêm có tác dụng ức chế prostaglandin giúp cầm máu kinh và giảm đau bụng, gồm có: aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, loại khác),  naproxen natri (Aleve), …

Axit tranexamic (Lysteda): Thuốc này có tác dụng cầm máu, giảm lượng máu chảy ra trong những ngày hành kinh, thuốc cần sử dụng trong những ngày “đèn đỏ”.

Thuốc tránh thai đường uống: Thuốc này có thể là viên tránh thai chỉ chứa progestin hoặc thuốc tránh thai tổng hợp, sản xuất ở dạng vỉ sử dụng hằng ngày. Thuốc tránh thai có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm chảy máu kinh kéo dài.

Thuốc nội tiết Progesterone đường uống: Thuốc nội tiết có tác dung điều chỉnh sự mất cân bằng giữa các hormone nội tiết, từ đó góp phần làm giảm chứng rong kinh. Nếu như bệnh nhân bị rong kinh do sử dụng loại thuốc này thì cần báo cáo với bác sĩ để được thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn hoặc ngừng sử dụng.

Vòng tránh thai nội tiết (Liletta, Mirena): Vòng tránh thai ngoài chức năng ngừa thai thì nó còn có tác dụng làm giảm rong kinh do giải phóng hormone progestin làm cho lớp nội mạc tử cung mỏng hơn, ngăn ngừa tình trạng bong niêm mạc tử cung và chảy máu trong những ngày hành kinh.

Viên uống bổ sung sắt: Nếu chỉ số xét nghiệm hàm lượng sắt thấp thì chứng tỏ bạn đang bị thiếu máu. Nếu vậy, bác sĩ sẽ kê thêm những viên thuốc bổ sung sắt để giúp bạn cải thiện tình hình.

 ☛ Đọc thêm: Rối loạn kinh nguyệt uống thuốc gì?

Điều trị ngoại khoa

AD

Nếu bệnh nhân bị rong kinh điều trị không hiệu quả bằng phương pháp nội khoa thì sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa. Lựa chọn điều trị bao gồm:

Nong và nạo buồng tử cung (D&C): Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên dụng để nong cổ tử cung rộng ra sau đó nạo hết lớp mô niêm mạc tử cung để ngưng chảy máu ngay lập tức. Thủ thuật này được áp dụng phổ biến và rất hiệu quả trong những đợt rong kinh cấp tính.

Thuyên tắc động mạch tử cung: Ở phương pháp này, người ta sẽ bơm thuốc qua một ống thông đi qua động mạch lớn ở đùi và dẫn tới động mạch ở tử cung tư đó cắt nguồn cung cấp máu cho tử cung. Phương pháp này thường áp dụng với những bệnh nhân bị rong kinh do tổn thương thực thể ở đường sinh dục như là có u xơ, u nang, polyp tử cung.

Phá hủy nội mạc tử cung:  Phương pháp này sử dụng luồn sóng siêu âm, laser, nhiệt áp, để phá hủy các mô nội mạc tử cung. Phương pháp tương tự như thuyên tắc đông mạch tử cung có thể giúp phụ nữ giảm bớt tình trạng rong kinh mà không cần phải phẫu thuật, không tạo ra vết mổ

Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật thường áp dụng với những phụ nữ bị rong kinh do các bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung. Bác sĩ phải tiến hành mổ nội soi hoặc mổ hở để bóc tách u ra ngoài hoặc cắt bỏ bán phần/ toàn phần buồng trứng hay tử cung để loại bỏ phần mô bị bệnh. Phẫu thuật sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các phương pháp khác. Nó có thể khiến phụ nữ chấm dứt khả năng sinh sản và tiến đến quá trình mãn kinh sớm hơn.

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×