Mục lục
Hiện tượng rong kinh là gì?
Rong kinh (tiếng anh: Menorrhagia) là thuật ngữ y học nói đến hiện tượng chảy máu kéo dài trong thời gian hành kinh. Cụ thể, nếu một phụ nữ có số ngày “đèn đỏ” > 7 ngày thì được coi là rong kinh.
Tình trạng chảy máu kéo dài trong chu kỳ được coi là triệu chứng chính của rong kinh. Bên cạnh đó, phụ nữ có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm khác như là:
- Chảy máu nhiều khiến phụ nữ phải thay băng vệ sinh liên tục trong ngày, kể cả là ban đêm.
- Đau bụng nhiều khi hành kinh (thống kinh).
- Máu kinh vón cục hoặc thay đổi màu sắc bất thường.
- Mệt mỏi, choáng váng, khó thở, da lạnh…
Các bạn nên đi khám và điều trị khi hiện tượng rong kinh kéo dài qua nhiều chu kỳ, không có dấu hiệu bình thường trở lại. Hoặc, khi rong kinh gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, khiến các chị em luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể, giảm sút chất lượng công việc, tâm lý bất ổn.
Rong kinh có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hay không?
Có một câu hỏi chung mà nhiều phụ nữ đều muốn biết, đó là “rong kinh ảnh hưởng thế nào tới khả năng sinh sản?“. Thực ra, câu trả lời rất phức tạp. Bởi rong kinh thường không phải là nguyên nhân của vô sinh hay hiếm muộn, nó chỉ là dấu hiệu bề ngoài cho một vấn đề bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, nếu phụ nữ bị rong kinh là do các bệnh lý thì khả năng sinh sản của họ có thể bị ảnh hưởng ít nhiều tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý ấy.
Cụ thể:
Nếu như phụ nữ bị rong kinh ngắn hạn, những chu kỳ sau đó của họ hoàn toàn là bình thường thì hầu như vấn đề mang thai sẽ không gặp khó khăn gì. Các chị em có thể sinh con như bình thường.
Trường hợp này đa phần rơi vào những người bị rong kinh cơ năng, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống ví dụ như:
- Cơ thể bị căng thẳng, stress
- Sử dụng thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai hay một số loại thuốc khác có khả năng gây rối loạn kinh nguyệt
- Chế độ ăn uống kém khoa học
Nếu như phụ nữ bị rong kinh kéo dài thì có thể là dấu hiệu cho sự hiện diện của những tổn thương thực thể trong đường sinh dục hoặc các bệnh lý toàn thân khác, như là:
- Polyp trong niêm mạc tử cung
- Rối loạn chức năng buồng trứng (không giải phóng trứng)
- U xơ tử cung
- Viêm hoặc lạc nội mạc tử cung
- Ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung
- Bệnh suy giáp
- Các bệnh lý về máu (rối loạn chức năng tiểu cầu, bệnh von Willebrand…)
- Bệnh lí về gan, thận
Rong kinh kéo dài khiến cho trứng đã thụ tinh không thể làm tổ được tại buồng tử cung, bởi lớp nội mạc tử cung bong tróc liên tục. Rong kinh cũng góp phần làm thay đổi vòng kinh, lúc dài, lúc ngắn khác nhau. Thời gian rụng trứng là không đồng đều giữa các chu kỳ, vì vậy rất khó khăn cho các cặp vợ chồng nếu muốn xác định thời điểm rụng trứng để chuẩn bị kế hoạch thụ thai.
Bên cạnh đó, rong kinh tạo điều kiện thuận lợi cho viêm nhiễm xảy ra tại âm đạo. Vùng nhạy cảm dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn, nấm, gây ra các bệnh phụ khoa nguy hiểm như viêm âm đạo, viêm vùng chậu. Những bệnh lý này có thể làm cho vòi trứng bị kết dính, gẫy gập hoặc viêm tắc. Sự kết hợp giữa tinh trùng sẽ bị chặn lại. Bởi lẽ đó, nguy cơ vô sinh, hiếm muộn hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Rong kinh không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, nhiều người có thể bị suy nhược cơ thể do mất máu nhiều khi rong kinh kéo dài. Họ nhanh chóng mệt mỏi, xuống sức, choáng váng, ngay cả khi không làm gì vất vả.
Chưa kể, rong kinh là hiện tượng bắt nguồn từ nhiều bệnh lý nguy hiểm, nhiều bệnh trong số đó hoàn toàn có thể cướp đi thiên chức làm mẹ của phụ nữ như là lạc nội mạc tử cung, ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung. Bệnh không được điều trị sớm còn có thể gây ra những biến chứng khác, đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Nếu rong kinh trong nhiều tháng, không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị. Tùy vào từng nguyên nhân được xác định, phương pháp điều trị có thể là nội khoa (dùng thuốc) hoặc can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) để giải quyết vấn đề triệt để.
🠚 Tìm hiểu thêm: Rong kinh kéo dài điều trị thế nào?
Nên làm gì để ngăn ngừa tình trạng rong kinh ở nữ giới?
Thực chất, chiều dài chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu mất đi trong mỗi kỳ kinh hay tất cả các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều được quyết định bởi các nội tiết tố (hormone) trong cơ thể, kể cả là khả năng mang thai. Do đó, cơ thể bạn sẽ khỏe mạnh và duy trì khả năng sinh sản bình thường khi nội tiết tố được cân bằng.
Vì vậy, ngoài việc áp dụng các biện pháp can thiệp y tế để cân bằng hormone, các chị em có thể chủ động ngăn ngừa tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rong kinh thông qua việc điều chỉnh lối sống của mình, từ chế độ ăn uống, rèn luyện thể chất cho đến kiểm soát tâm lý. Cụ thể như sau:
Cải thiện chế độ ăn uống khoa học hơn
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu bao gồm: bột đường – chất béo – đạm – khoáng chất & vitamin.
Tăng cường ăn nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều chất béo bão hòa và gia vị.
Tuyệt đối “nói không” với rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích tương tự.
Không nên ăn kiêng quá đà chỉ vì nỗi lo về cân nặng. Duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở ngưỡng bình thường, không để cơ thể trở nên quá béo hay quá gầy.
🠚 Xem thêm:
- Thực phẩm vàng dành cho những phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt
- Tìm hiểu những món ăn giúp chị em cải thiện tình trạng rong kinh
Loại bỏ căng thẳng trong cuộc sống
- Tránh ôm đồm quá nhiều việc, cần dành cho bản thân những phút giây thư giãn để cân bằng cảm xúc.
- Hít thở sâu, tập yoga hoặc ngồi thiền mỗi khi căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya.
- Trò chuyện, tâm sự với ai đó mà bạn tin tưởng.
- Thường xuyên suy nghĩ về những điều tích cực, lạc quan trong cuộc sống.
Tập luyện thể thao thường xuyên và đúng cách
Tập thể dục cường độ cao thường xuyên khiến cơ thể căng thẳng và không có đủ lượng chất béo để tổng hợp hormone. Điều đó gây ra mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Giải pháp:
- Giảm cường độ và thời gian tập luyện thể chất mỗi ngày.
- Chọn lựa những bài tập phù hợp với sức lực để giảm tránh mệt mỏi.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn vào kỳ “rụng dâu”.
Những lưu ý khác
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hằng ngày với dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp, không nên quan hệ tình dục trong thời gian rong kinh, để tránh gây ra viêm nhiễm.
- Cẩn trọng trước khi sử dụng thuốc tránh thai hay thực hiện các thủ thuật kiểm soát sinh sản.
- Nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng / lần.