Khi thời kỳ tiền mãn kinh “ghé thăm” khiến cho hàng loạt trục trặc lớn nhỏ bắt đầu xảy đến, trong đó có những thay đổi về kinh nguyệt. Rong huyết ở phụ nữ trung niên là vấn đề không hiếm gặp. Vậy, tình trạng này liệu có nguy hiểm không? Cùng xem chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Hiểu đúng về rong huyết
Rong huyết là tình trạng chảy máu âm đạo bất thường, không tuân theo chu kỳ, thời gian chảy máu trên 7 ngày.
Rong huyết không phải là rong kinh như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Rong kinh là hiện tượng ra máu kéo dài trên 7 ngày trong thời gian hành kinh. Ngược lại, rong huyết là hiện tượng ra máu kéo dài nhưng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt, mà không phải là hành kinh.
Khi bị rong huyết, lượng máu đào thải ra ngoài có thể là ít hay nhiều tùy từng người và từng nguyên nhân. Nhưng dẫu sao lượng máu mất đi thêm nhiều sẽ càng khiến cơ thể chị em mệt mỏi, thiếu sinh khí, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống.
Rong huyết có thể xuất hiện ở bất kể giai đoạn nào với phụ nữ trong tuổi sinh sản. Khi bước qua 40, thời kỳ tiền mãn kinh bắt đầu xuất hiện. Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh có thể xuất phát từ vấn đề thay đổi nội tiết sinh lý, do hệ trục nội tiết bắt đầu suy thoái. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể phản ánh những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới đường sinh dục.
Rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh có nguy hiểm không?
Như đã nói trên, rong huyết ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh xảy ra có thể bởi mất cân bằng hormone sinh lý, một vài lý do thông thường liên quan tới lối sống cũng như những lý do nghiêm trọng thuộc về bệnh lý. Cụ thể.
Một số yếu tố thông thường làm tăng nguy cơ phát triển chứng rong huyết ở phụ nữ tiền mãn kinh như:
- Căng thẳng kéo dài, ức chế hoạt động của vùng dưới đồi (một mắt xích quan trọng của trục nội tiết), gây ra rối loạn hormone, từ đó ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học, đặc biệt nếu ăn nhiều chất béo khiến cơ thể bị thừa cân, bạn sẽ có nguy cơ rong kinh, rong huyết cao hơn.
- Nghiện rượu, bia, thuốc lá hay các chất kích thích tương tự.
- Đặt vòng tránh thai, sử dụng thuốc tránh thai…
- Biến cố thai kỳ (thai chết lưu, sảy thai) vấn đề này hiếm gặp hơn ở phụ nữ đã qua 40, bởi đa phần các chị em đều đã lập gia đình và sinh con.
🡆 Đây chủ yếu là những nguyên nhân gây rong kinh tạm thời. Vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu như biết thay đổi thói quen xấu, cải thiện bằng lối sống lành mạnh hơn. Đặt vòng tránh thai hoặc sử dụng thuốc thường chỉ gây rong huyết khoảng 2 – 3 chu kỳ. Nếu như tình trạng kéo dài thêm nhiều chu kỳ sau đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ để tìm được giải pháp tránh thai phù hợp.
Những bệnh lý điển hình gây rong huyết ở phụ nữ tiền mãn kinh như:
U xơ tử cung: Là những những khối u lành tính được tạo thành từ các tế bào cơ trơn và mô liên kết sợi ở tử cung. U xơ tử cung lớn, nằm tiếp giáp với khoang tử cung có thể cản trở quá trình ra máu thông thường khi hành kinh gây ra hiện tượng rong kinh. Chúng cũng có thể khiến cho máu chảy không đúng chu kỳ, gọi là rong huyết.
Ngoài hiện tượng rong huyết, bệnh nhân u xơ tử cung có thể gặp phải các triệu chứng khác như là:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, ra nhiều máu, thường đau bụng nhiều hơn khi đến kỳ kinh nguyệt
- Đau thắt lưng
- Đau khi giao hợp
- Đau vùng chậu và hay có cảm giác tức nặng ở vùng này
- Khí hư loãng như nước
- Rối loạn tiểu tiện: có thể đi tiểu nhiều lần trong ngày hoặc bí tiểu
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, chướng bụng, đầy hơi, chán ăn…
- U xơ phát triển lâu năm có thể làm cho bụng to lên, sờ nắn vùng chậu có thể cảm nhận được khối u này
Polyp tử cung: Polyp tử cung là những mô tăng sinh bất thường trên niêm mạc tử cung, cổ tử cung. Polyp có thể có cuống hoặc không, nhưng nếu quá to chúng có thể khiến nội mạc tử cung xuất huyết bất thường rong huyết kéo dài.
Ngoài hiện tượng rong huyết, bệnh nhân bị polyp tử cung có thể gặp phải các triệu chứng khác như là:
- Dịch âm đạo ra nhiều, có màu vàng hoặc trắng, kèm theo mùi hôi khó chịu
- Có thể kèm theo đau bụng
- Xuất huyết âm đạo bất thường hay gặp nhất sau khi giao hợp
Lạc nội mạc tử cung: Chỉ tình trạng các tế bào nội mạc tử cung đi lạc lên các cơ quan khác có thể là buồng trứng, vòi trứng, đường ruột…Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu giữa kỳ kinh, nó cũng góp phần làm cho kinh nguyệt ra nhiều hơn và kéo dài hơn.
Ngoài hiện tượng rong huyết, bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có thể gặp phải các triệu chứng khác như là:
- Đau vùng chậu và đau nặng nề hơn trong kỳ kinh nguyệt
- Đau khi đi tiểu
- Vô sinh, hiếm muộn
Ung thư tử cung: Ung thư tử cung xuất hiện chủ yếu ở phụ nữ đã đến tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh. Điều này có nghĩa là kinh nguyệt không còn thường xuyên hoặc đã chấm dứt hoàn toàn.
- Đau vùng chậu (nhất là khi quan hệ tình dục)
- Rối loạn tiểu tiện: són tiểu, tiểu có lẫn máu
- Dịch âm đạo có màu lạ (vàng, xanh như mủ hoặc màu hồng do lẫn máu), có mùi khó chịu
- Thiếu máu (do rong huyết kéo dài), khiến cơ thể gầy yếu, mệt mỏi
🡆 Đối với những bệnh lý này, rong huyết chỉ là một trong nhiều triệu chứng có thể gặp phải. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không để ý tới các dấu hiệu của bệnh thì biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
🡆 Hơn nữa, rong huyết còn là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây hại xâm nhiễm vào sâu bên trong khu vực âm đạo, tử cung để gây bệnh khoa.
🡆 Rong huyết kéo dài khiến cơ thể bạn luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược do thiếu máu. Công việc và sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng ít nhiều.
Nên làm gì khi bị rong huyết ở tuổi tiền mãn kinh?
Khi nhận thấy rong huyết kéo dài quá 3 chu kỳ liên tiếp, bạn nên chủ động tới bệnh viện hoặc các phòng khám phụ khoa để được chẩn đoán kịp thời.
Tùy vào thể trạng, sức khỏe và lý do gây ra rong huyết ở mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, từ nội khoa cho đến can thiệp ngoại khoa.
Nguyên tắc chung trong điều trị rong huyết là nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng chảy máu tiếp diễn, tái lập chu kỳ kinh nguyệt bình thường, điều trị hỗ trợ nâng cao thể trạng.
Thuốc điều trị rong huyết (nội khoa)
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc kháng viêm có tác dụng ức chế prostaglandin giúp cầm máu và giảm đau bụng, gồm có: aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, loại khác), naproxen natri (Aleve), …
- Axit tranexamic (Lysteda): Thuốc này có tác dụng cầm máu, giảm lượng máu chảy
- Thuốc tránh thai đường uống: Thuốc này có thể là viên tránh thai chỉ chứa progestin hoặc thuốc tránh thai tổng hợp, sản xuất ở dạng vỉ sử dụng hằng ngày. Thuốc tránh thai có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và giảm chảy máu kinh kéo dài.
- Thuốc nội tiết Progesterone đường uống: Thuốc nội tiết có tác dung điều chỉnh sự mất cân bằng giữa các hormone nội tiết, từ đó góp phần làm giảm chứng rong huyết.
- Vòng tránh thai nội tiết (Liletta, Mirena): Vòng tránh thai ngoài chức năng ngừa thai thì nó còn có tác dụng làm giảm rong huyết do giải phóng hormone progestin làm cho lớp nội mạc tử cung mỏng hơn, ngăn ngừa tình trạng bong niêm mạc tử cung và chảy máu trong những ngày hành kinh.
- Viên uống bổ sung sắt: Nếu chỉ số xét nghiệm hàm lượng sắt thấp thì chứng tỏ bạn đang bị thiếu máu. Nếu vậy, bác sĩ sẽ kê thêm những viên thuốc bổ sung sắt để giúp bạn cải thiện tình hình.
Các thủ thuật ngoại khoa điều trị rong huyết
Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, các phương pháp ngoại khoa phù hợp sẽ được chỉ định thay thế, như:
- Phẫu thuật nong, nạo buồng tử cung
- Phẫu thuật phá hủy tế bào nội mạc tử cung
- Thuyên tắc động mạch tử cung
- Phẫu thuật điều trị bệnh phụ khoa (áp dụng trong điều trị các bệnh polyp – u xơ tử cung hay ung thư tử cung)
Một số bài thuốc đông y tốt cho người bị rong huyết
Bài 1: Chữa rong huyết, rong kinh, băng huyết ra nhiều máu, máu đỏ sẫm, cơ thể gầy yếu, hay choáng váng, mệt mỏi, miệng khô, ngủ kém…
Đan bì 10g, Bạch linh 10g, Trạch tả 10g, Thục địa 30g, Hoài sơn 15g, Sơn thù 15g, Ô tặc cốt Long cốt 16g, Mẫu lệ 12g.
Sắc uống ngày 1 thang
Bài 2: Chữa chứng rong huyết, có kèm theo huyết cục (cục máu đông), đau vùng chậu, mạch huyền, rêu lưỡi dày
Hương phụ 8g, Bạch truật 8g, Đẳng sâm 12g, Hoàng kỳ 8g, Chỉ sác 6g, Nhọ nồi 16g, Thục địa 12g, Xuyên khung 8g, Qui đầu 12g, Thục địa 20g, Bạch thược 12g, Trắc bách diệp 12g.
Sắc uống ngày 1 thang
Bài 3: Chữa rong huyết do chế độ ăn uống kém, lo âu quá độ, ảnh hưởng tới tỳ, phế. Triệu chứng là ra huyết nhiều, ra không ngừng, máu có màu đỏ nhạt, người ủ rũ, mệt mỏi, sợ lạnh, tiêu chảy, chán ăn.
Hoàng kỳ 12g, nhân sâm 8g, đương quy 4g, bạch truật 8g, cam thảo 6g, trần bì 4g, thăng ma 2g, sài hồ 4g, huyết dư (tóc rối đốt cháy) 6g, ô tặc cốt 12g, mẫu lệ 12g.
Sắc uống ngày 1 thang.
Bên cạnh việc điều trị bằng Đông – Tây y, các chị em cũng có thể tham khảo thêm một số món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho những người bị rong kinh, rong huyết kéo dài, xem chi tiết
Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp cho chứng rong huyết ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Nếu như bạn nhận thấy mình đang có các dấu hiệu tương tự, hãy đi khám sớm để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc về sau.