AD

Tất tần tật về rối loạn kinh nguyệt sau sinh

AD

Sinh con là “trải nghiệm” vô cùng khó khăn với mọi bà mẹ. Để em bé ra đời, bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả sức khỏe của mình. Rối loạn kinh nguyệt là một trong những vấn đề phổ biến mà các bà mẹ sau sinh phải đối mặt. Tình trạng này có thể khiến họ lo lắng vì không biết rối loạn kinh nguyệt bao lâu sẽ chấm dứt và có ảnh hưởng gì hay không?

Kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh thay đổi thế nào?

Khi phụ nữ mang thai, kinh nguyệt của họ sẽ biến mất tạm thời, trường hợp này được gọi là vô kinh tự nhiên. Đây là điều hoàn toàn bình thường chứng tỏ trứng đã được thụ tinh và bào thai đang phát triển trong tử cung của bạn.

Sau khi sinh, kinh nguyệt vẫn chưa trở lại ngay lập tức. Đầu tiên là sự xuất hiện của sản dịch. Một loại dịch chảy ra từ âm đạo gần giống kinh nguyệt của bạn, nó bao gồm máu và các mô niêm mạc tử cung. Trong những ngày đầu, sản dịch sẽ tiết ra rất nhiều, có màu đỏ tươi, hầu như các chị em sẽ phải đóng băng vệ sinh cả ngày. Vài ngày sau đó, sản dịch dần ít hơn, nó cũng thay đổi về màu sắc, từ đỏ đậm (có thể kèm theo nhiều cục máu đông) chuyển sang màu hồng, màu nâu, vàng nhạt, rồi cuối cùng là màu trắng giống với khí hư bình thường.

Tùy vào cơ địa của mỗi phụ nữ, thời gian tiết sản dịch sẽ ngắn dài khác nhau. Đa phần hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng 3 tuần đến 1 tháng, một số người có thể ra sản dịch tới 2 tháng.

Với phụ nữ cho con bú tự nhiên bằng sữa mẹ, kinh nguyệt sẽ đến sau 5 – 8 tháng. Trong khi đó, với những bà mẹ nuôi con bằng sữa ngoài thì kinh nguyệt sẽ trở lại sớm hơn, từ 2 – 3 tháng.

AD

Kinh nguyệt trở lại nhưng không có nghĩa là nó sẽ bình thường như trước, bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến rối loạn kinh nguyệt sau sinh như là:

Ở phụ nữ bình thường thì một năm sẽ có 11- 13 chu kỳ kinh nguyệt, vòng kinh dao động từ 22 – 35 ngày. Tuy nhiên, với phụ nữ sau sinh, vòng kinh có thể thể không theo bất kì quy luật nào, có tháng ngắn, có tháng dài hơn thường lệ.

Một số chị em nhận thấy rằng thời gian hành kinh của họ có thể kéo dài hơn 7 ngày (rong kinh), lượng máu kinh ra nhiều hơn trước kia. Thậm chí, một vài người còn thấy màu sắc máu kinh thay đổi, kèm theo các cục máu đông hoặc đau bụng kinh dữ dội hơn, đầu vú căng tức nhiều.

Nguyên nhân dẫn tới rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì?

Sinh con khiến cơ thể phụ nữ chịu nhiều tổn thương và cần có thời gian để hồi phục. Sau khi sinh, tử cung bị giãn rộng, do đó nó cần một khoảng thời gian đủ để co trở lại kích thước ban đầu, đây cũng là lý do khiến kinh nguyệt của các bà mẹ bỉm sữa trở nên không đều đặn.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới rối loạn kinh nguyệt sau sinh là bởi sự thay đổi của nội tiết tố. Với những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, hormone Prolactin tiết ra liên tục – nó chịu trách nhiệm cho quá trình sản xuất sữa từ các tuyến vú. Loại hormone này cũng là nguyên nhân gây ức chế rụng trứng, khiến cho kinh nguyệt đến muộn hơn so với những bà mẹ nuôi con bằng sữa ngoài. Vì thế, cho tới khi bé giảm số lần bú, chuyển qua chế độ ăn dặm thì khi đó kinh nguyệt của người mẹ sẽ ổn định hơn.

Bên cạnh đó, các yếu tố về lối sống sinh hoạt cũng là những lý do gây tác động ít nhiều tới nội tiết tố, khiến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi.

Các bà mẹ phải đối mặt với vấn đề tăng hoặc giảm cân đột ngột sau sinh bởi chế độ ăn uống thay đổi, stress, căng thẳng, thiếu luyện tập thể dục, rối loạn giấc ngủ khi chăm sóc em bé. Đây cũng là những nguyên nhân gián tiếp khiến kinh nguyệt rối loạn.

Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh là điều hoàn toàn bình thường, không cần thiết phải điều trị y tế, nhưng nó chỉ bình thường nếu xảy ra trong vài tháng. Cho tới khi bé của bạn được cai sữa mà tình trạng rối loạn kinh nguyệt vẫn tiếp diễn thì bạn nên đi khám để kịp thời phát hiện các bất thường, đồng thời có kế hoạch điều trị cụ thể.

Một số nguyên nhân bệnh lý khiến rối loạn kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • U xơ tử cung – u nang buồng trứng – polyp tử cung
  • Viêm vùng chậu
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Khối u tuyến yên
  • Tiểu đường
  • Bệnh về gan, thận
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp

Cách cải thiện rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể khiến cho nhiều bà mẹ lo lắng, nhưng nó là kết quả của sự thay đổi hormone trong cơ thể và lối sống của bạn. Kinh nguyệt ổn định sớm hay muộn phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn uống, sự cân bằng tâm lý, rèn luyện thể chất và các thói quen khác trong sinh hoạt hằng ngày.

1. Cải thiện chế độ ăn uống

Kinh nguyệt và nội tiết tố có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Vì thế, phụ nữ muốn có chu kỳ kinh nguyệt ổn định thì phải đảm bảo nội tiết tố được cân bằng. Bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh qua rau củ, hoa quả, các loại ngũ cốc, thịt nạc là một trong những cách tốt nhất để điều hòa kinh nguyệt của bạn, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng khi nuôi thai nhi. Phụ nữ sau sinh nên hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, các món có nhiều gia vị cay, mặn, ngọt. Không sử dụng rượu bia hay các chất kích thích tương tự.

AD

Ngoài ra, các bà mẹ cũng đừng vì quá bận rộn mà cố gắng ăn vội, không chú ý đến khẩu phần ăn hằng ngày của mình. Điều đó có khiển khiến bạn rơi vào tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân. Một vòng luẩn quẩn xảy ra khi chỉ số khối cơ thể quá cao/ quá thấp sẽ lại dẫn tới rối loạn kinh nguyệt.

Xem chi tiết: Rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì – kiêng gì?

2. Rèn luyện thể chất

Có vẻ như đây là một thách thức với mọi bà mẹ. Vì đơn giản, nhiệm vụ chăm sóc bé đã quá mệt mỏi, với nhiều người đến thời gian ngủ còn chẳng có. Thế nhưng, nếu bạn không vận động thì đó là một sai lầm. Khi bạn bắt đầu với những bài tập thể chất vừa phải và đều đặn bạn sẽ nhận thấy rằng cơ thể bớt mệt mỏi hơn, dường như bạn thấy khỏe mạnh và yêu đời hơn. Đó cũng là điều kiện giúp bạn duy trì cân nặng ở mức ổn định và giúp cho kinh nguyệt ổn định.

Bạn có thể tranh thủ những lúc vui chơi với bé để cùng con tập những bài yoga đơn giản hoặc dành 15 phút mỗi ngày khi đưa bé ra ngoài tắm nắng, để tranh thủ dạo bộ.

Có rất nhiều cách khác nhau, quan trọng là bạn thay đổi và kiên trì với nó.

3. Cân bằng tâm lý

Chúng ta đều biết rằng stress hay những dạng cảm xúc tiêu cực tương tự đều có thể ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt. Căng thẳng khiến cho vùng dưới đồi bị rối loạn chức năng hoạt động, từ đó hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng rối loạn theo. Quá trình sản xuất hormone tại buồng trứng sẽ bị ảnh hưởng, khiến cho kinh nguyệt không đều.

Vì thế, cân bằng tâm lý là điều mà mọi bà mẹ sau sinh cần làm để có kinh nguyệt khỏe mạnh và hơn hết là chống lại trầm cảm. Để làm được điều ấy thì phụ nữ cần biết san sẻ bớt những khó khăn, trách nhiệm của mình trong vấn đề nuôi con với người thân, nhất là chồng. Khi bạn nghỉ ngơi và làm việc hợp lý cơ thể bạn sẽ khỏe mạnh hơn, tâm lý được giải tỏa. Mặc dù rất khó để các bà mẹ đang chăm sóc trẻ sơ sinh có được giấc ngủ trọn vẹn, song bạn hãy cố gắng ngủ theo lịch trình của bé, tranh thủ ngủ khi con đang ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi.

Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp các chị em gỡ rối được những băn khoăn về rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào liên quan tới rối loạn kinh nguyệt cần giải đáp hãy liên hệ tới tổng đài (miễn phí cước ) 18001951 hoặc để lại bình luận dưới chân bài viết này để được tư vấn sớm nhất nhé!

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×