AD

Tìm hiểu nhanh về rối loạn kinh nguyệt

AD

Mặc dù hầu hết phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt khi đến tuổi dậy thì, nhưng không phải lúc nào chủ đề này cũng được chia sẻ một cách cởi mở. Chính vì thế, rất nhiều chị em bị rối loạn kinh nguyệt nhưng không nhận biết được tình trạng của mình. Họ không biết kinh nguyệt thế nào là bình thường và thế nào là bất thường.

Vậy trong bài viết hôm nay, Benhuxo.vn sẽ cung cấp những điều chị em cần tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt và cách điều trị để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình.

Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt (hành kinh) là hiện tượng chảy máu âm đạo sinh lý bình thường với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hàng tháng, lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên để tạo điều kiện cho trứng làm tổ. Một quả trứng trưởng thành sẽ được phóng thích vào vòi trứng. Nếu trứng không kết hợp với tinh trùng thì sẽ không xảy ra quá trình thụ thai, từ đó lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra, cuốn theo máu kinh ra ngoài gọi là kinh nguyệt.

Nữ giới có kinh nguyệt từ tuổi dậy thì (khoảng 12 – 13 tuổi), thời điểm này đánh dấu họ bắt đầu có khả năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt kết thúc vào giai đoạn mãn kinh (thường là trên 51 tuổi) – chấm dứt khả năng sinh sản.

AD

Mỗi chu kỳ kinh nguyệt được gọi là một vòng kinh. Một vòng kinh bình thường kéo dài khoảng 28 – 32 ngày. Đôi khi, chu kỳ này có thể thay đổi từ 24 đến 35 ngày, tùy thuộc vào từng người.

Mỗi năm, một phụ nữ sẽ có khoảng 11 – 13 kỳ kinh nguyệt. Điều đó có nghĩa là hầu như mỗi tháng phụ nữ sẽ có kinh nguyệt 1 lần.

Số ngày ra máu kinh đa phần kéo dài từ 4 – 5 ngày, nhưng cũng có thể thay đổi từ 2 đến 7 ngày.

Cho nên, khi có sự thay đổi bất thường về thời gian 1 vòng kinh, số ngày chảy máu, lượng máu tiết ra trong một chu kỳ hoặc những biểu hiện bất thường khác xuất hiện trong kỳ kinh nguyệt thì được gọi là rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề rắc rối, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của phụ nữ. Nhất là tình trạng mất máu quá nhiều có thể làm cạn kiệt nguồn cung cấp sắt cho cơ thể, gây thiếu máu, suy nhược cơ thể. Không những vậy, rối loạn kinh nguyệt cũng là lý do hàng đầu gây vô sinh, hiếm muộn.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn kinh nguyệt

1/ Vòng kinh bất thường:

  • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 35 ngày (kinh thưa)
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày (kinh mau)

2/ Không có kinh nguyệt (vô kinh):

− Những thiếu nữ bước sang tuổi dậy thì nhưng chưa có kinh nguyệt thì cũng được coi là rối loạn kinh nguyệt. Trường hợp này được gọi là vô kinh nguyên phát. Vấn đề kinh nguyệt đến muộn có thể do sự bất thường về hormone nội tiết trong cơ thể hay những dị dạng trong đường sinh dục.

− Một phụ nữ mà trong 3 tháng không xuất hiện kinh nguyệt thì được gọi là vô kinh thứ phát. Thậm chí có những người 6 tháng mới có kinh nguyệt một lần. Vô kinh thứ phát hay gặp ở những phụ nữ nạo phá thai nhiều lần, bị băng huyết nặng sau khi sinh nở do tuyến yên bị hoại tử.

3/ Số ngày chảy máu kinh bất thường:

  • Số ngày kinh quá dài > 7 ngày (rong kinh)
  • Số ngày kinh quá ngắn < 2 ngày (thiểu kinh)

4/ Ra nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt (cường kinh):

Lượng máu kinh tiết ra > 80ml/ chu kỳ thì được coi là ra nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt. Trường hợp này còn được gọi là cường kinh hay băng kinh. Nếu nhận thấy, trong những ngày hành kinh bạn phải thay từ 6 – 7 miếng băng vệ sinh mỗi ngày vì máu ra quá nhiều thì rất có thể bạn đang bị cường kinh.

5/ Màu sắc máu kinh bất thường:

AD

− Máu kinh là một hỗn hợp của nhiều thành phần, trong đó 50% là máu; phần còn lại là những tế bào nội mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung và tế bào biểu mô âm đạo.

− Với phụ nữ khỏe mạnh, máu kinh nguyệt có màu đỏ sẫm, không đông đặc. Nếu phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, màu sắc máu có thể chuyển thành màu hồng, lỏng như nước hoặc màu đen kèm theo những cặn máu đông.

6/ Đau bụng kinh dữ dội (thống kinh):

Hầu hết các chị em đều cảm nhận được cơn đau bụng âm ỉ báo hiệu chuẩn bị tới kỳ kinh nguyệt mới, hoặc đau bụng trong những ngày có kinh. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ là bất thường khi cơn đau có xu hướng kéo dài và đau nghiêm trọng. Nếu cơn đau lan tỏa xuống đùi, ra sau lưng gây tụt huyết áp, cơ thể yếu ớt thì đây là dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt nặng.

7/ Các triệu chứng khác:

Một số dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt khác ít phổ biến hơn gồm có: đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, sốt, tiểu rắt…

Nguyên nhân khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt

Có rất nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt. Sau đây là những lý do phổ biến nhất:

Do mất cân bằng nội tiết tố

Estrogen và progesterone là 2 hormone nội tiết quan trọng ảnh hưởng rất lớn tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nếu các hormone này dư thừa, nó có thể gây chảy nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Sự mất cân bằng nột tiết tố cũng khiến cho thời gian rụng trứng bị thay đổi, từ đó vòng kinh của bạn có thể bị thay đổi theo, dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường.

Nội tiết tố thường có sự thay đổi đáng kể vào những giai đoạn đặc biệt của phụ nữ, như là:

  • Thời kì đầu dậy thì: 2 -3 năm đầu của thời kỳ này, kinh nguyệt thường xuyên bị rối loạn. Đau bụng và ra nhiều máu kinh là những tình trạng phổ biến nhất, phải mất một vài năm để mọi thứ trở nên cân bằng. Sau tuổi dậy thì hầu hết chu kỳ kinh nguyệt của các chị em sẽ trở nên đều đặn hơn.
  • Mang thai: Phụ nữ đều không có kinh nguyệt trong thời gian mang thai
  • Sau sinh và cho con bú: Kinh nguyệt sẽ trở lại từ sau 6 – 8 tuần sau sinh với những bà mẹ nuôi con bằng sữa ngoài. Còn những người nuôi con bằng sữa mẹ thì phải mất khoảng 6 tháng kinh nguyệt mới xuất hiện.
  • Tiền – mãn kinh: Chu kỳ kinh nguyệt và lượng máu kinh sẽ ít dần ở giai đoạn tiền mãn kinh; kèm theo đó là một số rắc rối như bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, suy giảm ham muốn tình dục, stress do mất cân bằng nội tiết tố gây ra. Tới giai đoạn mãn kinh, thì kinh nguyệt sẽ mất hoàn toàn. Trong một số trường hợp hiếm, kinh nguyệt đã mất có thể xuất hiện trở lại ở giai đoạn này.

Do các tổ chức phát triển bất thường trong tử cung, buồng trứng

1/ Hội chứng buồng trứng đa nang

AD

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng trong buồng trứng nữ giới có rất nhiều nang trứng nhỏ do rối loạn nội tiết tố gây ra, mà chủ yếu là bởi lượng hormone Androgen quá cao.

Những người bị mắc hội chứng này thường bị rối loạn kinh nguyệt, với biểu hiện chủ yếu là có vòng kinh thưa. Ở những trường hợp nặng, nhiều chị em bị vô kinh, dẫn tới tình trạng 5 – 6 tháng mới có kinh nguyệt một lần.

Xem chi tiết hơn về: Hội chứng buồng trứng đa nang và những nguy hại của căn bệnh này

2/ Polyp tử cung

Polyp là những mô tăng sản quá mức phát triển bên trong niêm mạc tử cung hoặc cổ tử cung. Polyp là một dạng tổn thương thực thể lành tính, rất hiếm khi chuyển biến thành ung thư, nhưng nó cũng thường là lý do gây chảy máu nhiều trong kỳ kinh của phụ nữ.

3/ U xơ tử cung

U xơ tử cung là một tổ chức phát triển bất thường tại tử cung, nó khác với polyp tử cung nhưng đều có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, nhất là những u xơ tử cung nằm dưới niêm mạc.

U xơ dưới niêm mạc tử cung thường khiến người bệnh bị ra nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ bị u xơ tử cung dưới niêm mạc có nguy cơ sảy thai hoặc vô sinh, hiếm muộn khá cao.

4/ U nang buồng trứng

U nang xuất hiện trong buồng trứng có thể làm rối loạn chu kỳ rụng trứng hàng tháng, từ đó ảnh hưởng tới kinh nguyệt của phụ nữ.

Do các bệnh lý phụ khoa gây nên

Nhiều bệnh lý phụ khoa có thể là lí do gây ra kinh nguyệt bất thường ở các chị em phụ nữ, bao gồm:

1/ Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu là tình trạng nhiễm trùng của các cơ quan sinh sản bao gồm cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng, phúc mạc chậu, buồng trứng và các mô mềm phụ trợ. Viêm vùng chậu có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, khiến phụ nữ cảm thấy đau đớn nhiều hơn, màu máu kinh bất thường.

AD

2/ Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cùng là tình trạng các mô nằm bên trong tử cung bắt đầu mọc ở nơi khác trong cơ thể như là buồng trứng, vòi trứng, mặt sau của tử cung…Bệnh lí này có thể gây chảy nhiều máu và đau trong chu kỳ kinh nguyệt.

3/ Quá sản nội mạc tử cung

Quá sản nội mạc tử cung (còn được gọi là tăng sản nội mạc tử cung) là sự tăng sinh của lớp nội mạc hoặc niêm mạc tử cung với hình dạng không đều đặn, kèm theo tỉ lệ tuyến/mô đệm tăng, khiến cho lớp nội mạc quá dày.

Bệnh lí này thường do cường estrogen gây ra nhưng lại thiếu progesterone. Khi các tế bào nội mạc tích tụ quá mức nó làm cho chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường (<21 ngày), phụ nữ bị rong kinh kéo dài hoặc có kinh nguyệt trở lại khi đã mãn kinh.

4/ Thai ngoài tử cung

Đây là hiện tượng tế bào trứng đã thụ tinh không làm tổ trong buồng tử cung để phát triển mà lại bám vào ống dẫn trứng và tiếp tục lớn lên. Trong đó, 3 triệu chứng thường gặp nhất ở những phụ nữ bị thai ngoài tử cung đó là:

  1. Trễ kinh: chu kỳ kinh nguyệt có thể đến sớm hay muộn hơn thông thường, nhưng chủ yếu là trễ kinh.
  2. Đau bụng: bào thai phát triển trong vòi trứng khiến vòi trứng bị dãn căng gây đau bụng âm ỉ
  3. Chảy máu âm đạo trong thai kỳ: bào thai phát triển quá mức khiến vòi trứng dãn và nứt ra gây chảy máu, máu có màu đen sậm và kéo dài nhiều ngày nên có người lầm tưởng mình bị rong kinh.

Do các tình trạng bất thường khác về sức khỏe

Nữ giới mắc phải một số bệnh lý sau đây cũng có thể khiến kinh nguyệt bị rối loạn:

  • Rối loạn di truyền máu
  • Rối loạn tuyến giáp (cường giáp hay suy giáp)
  • Tiểu đường
  • U tuyến yên
  • Bệnh về gan, thận
  • Bệnh bạch cầu

Các yếu tố nguy cơ

1/ Do sử dụng thuốc: Thuốc tránh thai và một số thuốc điều trị các bệnh lý khác như là thuốc trị tiểu đường, thuốc điều trị cao huyết áp có thể làm mất cân bằng nội tiết tố gây ra rối loạn kinh nguyệt.

2/ Sử dụng chất kích thích: Nhiều phụ nữ nghiện rượu và thuốc lá nhưng các thành phần độc hại trong những loại chất kích thích này có thể cản trở các quá trình sinh lý liên quan đến kinh nguyệt, khiến chu kỳ kinh nguyệt thất thường.

3/ Nạo phá thai: Sử dụng các dụng cụ can thiệp vào tử cung dễ làm tổn thương tử cung gây ra những bệnh lý phụ khoa ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt. Nguy hiểm hơn, những người phá thai nhiều lần có nguy cơ làm nội mạc tử cung mỏng, thậm chí làm mất kinh nguyệt, vô sinh.

5/ Tập thể, ăn kiêng quá mức: Đây là 2 thói quen kém lành mạnh khiến cơ thể bị vắt kiệt sức lực, thiếu hụt protein và chất béo, ảnh hưởng đến sự tổng hợp estrogen bình thường trong cơ thể, chính vì thế có nhiều trường hợp quá ít kinh nguyệt hoặc vô kinh do thiếu chất.

6/ Stress: Lo lắng, căng thẳng hay làm việc nghỉ ngơi không điều độ có thể là yếu tố phá hủy sự cân bằng nội tiết trong cơ thể, suy giảm chức năng vùng dưới đồi, từ đó làm cho chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi.

Làm thế nào để chẩn đoán phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt?

Để chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện bất thường về kinh nguyệt ghi nhận từ phía người bệnh. Đồng thời, họ cũng yêu cầu người bệnh liệt kê đầy đủ những loại thuốc đang sử dụng hay tiền sử bệnh tật trước đó.

Tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định thêm những phương pháp chẩn đoán như là:

1/ Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear)

Đây là một xét nghiệm đơn giản dùng để kiểm tra những tổn thương trong cổ tử cung và tầm soát ung thư khi thấy dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường, từ đó giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt là gì.

2/ Xét nghiệm máu

AD

Xét nghiệm máu được áp dụng để kiểm tra chức năng tuyến giáp, vấn đề đông máu hay dấu hiệu thiếu máu của bệnh nhân.

3/ Siêu âm đầu dò âm đạo

Phương pháp này chỉ áp dụng với những chị em đã quan hệ tình dục. Siêu âm đầu dò âm đạo sẽ cho hình ảnh để phát hiện những tổn thương bất thường tại tử cung, buồng trứng và vùng chậu.

4/ Sinh thiết nội mạc tử cung

Sinh thiết nội mạc tử cung là một xét nghiệm mà trong đó bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ lớp lớp màng lót bên trong tử cung và quan sát dưới kính hiển vi để xác định những tế bào bất thường.

Kỹ thuật này thường được áp dụng để tìm ra vấn đề gây chảy máu âm đạo bất thường, quá sản nội mạc tử cung. Đồng thời, nó cũng cho phép bác sĩ kiểm tra bệnh nhân liệu có bị ung thư hay không.

5/ Siêu âm bơm nước buồng tử cung

Siêu âm bơm nước buồng tử cung là kỹ thuật bơm nước từ cổ tử cung vào tử cung, và siêu âm để quan sát hình ảnh của buồng tử cung. Kỹ thuật này thường áp dụng để chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt, hiếm muộn, vô sinh và sảy thai nhiều lần, đồng thời thủ thuật này cũng có thể giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường tổn tại trong tử cung như là polyp, sẹo nội mạc tử cung, tử cung dị dạng.

6/ Dùng que thử thai

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân test que thử thai xem có dấu hiệu mang thai hay không để loại trừ nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt do mang thai ngoài tử cung.

Các phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt

Nguyên tắc khi điều trị rối loạn kinh nguyệt cần phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, tiền sử bệnh tật và sử dụng thuốc
  • Nguyên nhân, triệu chứng gây ra rối loạn kinh nguyệt là gì.
  • Mức độ nghiêm trọng của rối loạn kinh nguyệt
  • Kế hoạch sinh sản, mong muốn có con của bệnh nhân
  • Khả năng thích ứng với các loại thuốc và những phương pháp điều trị khác

Sau đây là những phương pháp chủ yếu được áp dụng điều trị cho những người bị rối loạn kinh nguyệt:

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc chủ yếu được sử dụng để cải thiện các triệu chứng do rối loạn kinh nguyệt gây ra như đau bụng, rong kinh…Các loại thuốc phổ điều trị phổ biến bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) , chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen , để giảm tình trạng ra nhiều máu trong kỳ kinh.
  • Thuốc bổ sung sắt để điều trị thiếu máu.
  • Thuốc hormone (Orgametril, primolut N…) để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, giảm co thắt tử cung, giảm đau.
  • Thuốc tránh thai đường uống (Marvelone) giúp vòng kinh đều đặn hơn.

➤ Người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng của mình và thông báo với bác sĩ ngay khi gặp những dấu hiệu bất thường do việc sử dụng thuốc gây ra.

Ngoài ra, để giảm đau hay các triệu chứng khó chịu khác do rối loạn kinh nguyệt gây ra, người bệnh có thể áp dụng thêm các biện pháp tại nhà như là chườm ấm bụng, uống nước ấm, ăn trứng ngải cứu hay các bài thuốc đông y.

Các thủ thuật ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng chủ yếu với bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt do có các tổn thương bất thường trong tử cung, buồng trứng.

Chẳng hạn như bệnh nhân bị u nang buồng trứng, u xơ tử cung hay polyp cổ tử cung thì cần phải áp dụng phẫu thuật để cắt bỏ các u này, giúp kiểm soát hiện tượng chảy máu nặng.

Nhiều trường hợp phải cắt bỏ nội mạc tử cung để để kiểm soát loại bỏ hiện tượng chảy nhiều máu, tuy nhiên nó sẽ làm giảm cơ hội mang thai của người bệnh, nên nếu phụ nữ đang dự định sinh con thì cần thảo luận xem xét các phương pháp điều trị khác.

Những phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt do khối u ác tính gây ra thì cần phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng để tránh di căn, khi đó người bệnh sẽ mãn kinh sớm và không còn khả năng sinh sản.

➤ Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt không phải do những tổn thương thực thể tại đường sinh sản, mà là do các bệnh lý tiềm ẩn khác trong cơ thể ví dụ như tiểu đường, suy giáp, cường giáp, thì cần phải điều trị triệt để những bệnh này, từ đó các vấn đề gây ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt sẽ biến mất.

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×