AD

Phân tích cụ thể các nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố ở nữ

AD

Rối loạn nội tiết tố gây ra muôn vàn rắc rối với nữ giới, từ nhan sắc, sức khỏe cho đến tâm sinh lý. Tuy nhiên, lại có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến sự cân bằng của nội tiết tố bị phá vỡ. Vậy cụ thể, đó là những nguyên nhân nào, bạn có thể tìm hiểu rõ hơn qua bài viết này.

I. Nguyên nhân từ lối sống

1. Căng thẳng kéo dài

Căng thẳng về thể chất và tinh thần là lí do phổ biến gây rối loạn nội tiết tố. Căng thẳng mãn tính mạnh đến mức có thể làm rối loạn chức năng của vùng dưới đồi, khi đó các tín hiệu của não bộ truyền tới buồng trứng sẽ sai lệch. Mà buồng trứng lại là nơi sản xuất các hormone sinh dục quan trọng. Nếu chức năng buồng trứng bị ảnh hưởng thì chắc chắn lượng hormone sản xuất ra sẽ không đáp ứng theo nhu cầu bình thường của cơ thể.

Một khi rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, cơ thể bắt đầu chuyển hóa cạn kiệt nguồn progesterone và biến nó thành cortisol – (hormone ức chế căng thẳng). Và vì thế, khi lượng cortisol giải phóng càng nhiều thì có nghĩa là sự mất cân bằng giữa estrogen-progesterone càng lớn.

2. Ăn kiêng không khoa học & tập thể dục quá sức

Một chế độ ăn kiêng khắt khe có thể giúp bạn nhanh chóng đạt được thân hình như ý muốn. Tuy nhiên, đó không phải là một cơ thể khỏe mạnh, mà chỉ là biểu hiện của sự suy nhược.

Chế độ ăn kiêng hà khắc và tập thể dục cường độ cao thường xuyên khiến cơ thể không có đủ lượng chất béo để tổng hợp hormone, điều đó gây ra rối loạn nội tiết và suy giảm khối lượng cơ bắp.

3. Chọn lựa thực phẩm “kém lành mạnh”

AD

Thực phẩm có tác động lớn đến sự cân bằng hormone của bạn. Thật không may, nhiều loại thực phẩm không hề thân thiện với nội tiết tố, nó có thể khiến cho các hormone bị xáo trộn, chẳng hạn như là:

  • Thực phẩm quá ít axit béo hoặc chất béo không lành mạnh (chất béo bão hòa)
  • Thực phẩm quá ít chất xơ
  • Thực phẩm quá nhiều carbohydrate
  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Thực phẩm có nhiều đường
  • Bia, rượu

4. Nhiễm độc tố

Rượu, hóa chất, kim loại nặng và các chất độc khác xâm nhập vào cơ thể chúng ta không chỉ thông qua những gì chúng ta ăn và uống, mà còn do ô nhiễm môi trường, thuốc men hay các loại mỹ phẩm. Các chất độc này gây gánh nặng cho gan, khi hoạt động của gan bị quá tải, rối loạn nội tiết tất yếu sẽ xảy ra.

Giải thích cho điều này là vì, gan là cơ quan quan trọng nhất để phá vỡ estrogen dư thừa và đào thải nó ra khỏi cơ thể của bạn. Nhưng nếu một lá gan kém khỏe mạnh, thì nó sẽ không đủ khả năng để đối phó với độc tính hay sự dư thừa của bất kỳ loại hormone nào. Do đó, estrogen trong cơ thể tích trữ ngày càng nhiều và khiến cho nội tiết bị rối loạn.

5. Tỷ lệ mỡ cơ thể quá cao (người bị thừa cân, béo phì)

Enzyme aromatase được tìm thấy trong các mô mỡ có tác dụng chuyển đổi testosterone thành estrogen. Khi cơ thể có quá nhiều mỡ dư thừa sẽ gây ra hiện tượng thống trị estrogen và sụt giảm testosterone. Khi cơ thể không có đủ lượng testosterone cần thiết, việc giữ một thân hình thon gọn sẽ ngày càng khó khăn.

Nhưng vòng luẩn quẩn không dừng lại ở đó! Sự thống trị estrogen cũng làm tăng lượng mỡ trong cơ thể.

Estrogen và insulin tương tác với nhau. Insulin là hormone là cần thiết để đưa glucose từ máu vào các tế bào trong cơ thể. Sự thống trị Estrogen có thể làm cho lượng đường trong máu dao động mạnh, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động của nhà máy sản xuất insullin (tuyến tụy). Việc sản xuất insulin ngoài tầm kiểm soát khiến cho các tế bào ít nhạy cảm với insulin hơn. Khi điều này xảy ra, glucose không thể xâm nhập vào các tế bào mà sẽ chuyển sang dạng dự trữ như chất béo, kết quả là cơ thể bạn một lần nữa lại gặp phải tình trạng tích lũy mỡ thừa.

6. Lão hóa

Lão hóa là quy luật tất yếu của tự nhiên, nó tác động đến mọi phần khác nhau trên cơ thể, từ bên trong ra bên ngoài. Lão hóa khiến cho hệ trục nội tiết là vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng suy giảm chức năng hoạt động. Sự kết nối của 3 mắt xích này bắt đầu lỏng lẻo hơn, vì thế hormone không được giải phóng đúng cách.

Khi phụ nữ có tuổi, cả estrogen và progesterone sẽ suy giảm. Thế nhưng, lượng progesterone thường giảm với tốc độ nhanh hơn estrogen và thậm chí có thể về mức 0. Sự khác biệt này gây ra mất cân bằng hormone, dẫn đến sự thống trị estrogen.

Thêm vào đó, nếu phụ nữ có lối sống thiếu khoa học, thường xuyên căng thẳng, ăn uống sai cách và lười vận động thì chắc chắn là họ đang tự tạo ra một “công thức hoàn hảo” cho sự mất cân bằng nội tiết tố. Nó cũng giải thích tại sao ngày càng nhiều phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh khi chưa hẳn đã già (mãn kinh sớm).

7. Những ảnh hưởng khác

Trong môi trường sống tồn tại rất nhiều hợp chất có thể bắt chước các hormone tự nhiên bên trong cơ thể. Chúng có thể gây ra những tác dụng sinh lý tương tự như nội tiết tố thực sự, mặc dù chúng có thể khác biệt về mặt hóa học. Vậy nên, nếu như những thành phần này xâm nhập vào cơ thể một lượng đủ lớn, sự mất cân bằng nội tiết có thể sẽ xảy ra.

AD

Sau đây là một số hợp chất như thế:

Phytoestrogen là những hợp chất có cấu trúc tương tự như estrogen, được tìm thấy trong nhiều loại thực vật ăn được, chẳng hạn như đậu nành, dầu oliu, hạt mè, các loại hạt đậu… Thông thường, chúng không gây ra mối đe dọa cho hệ thống nội tiết. Tuy nhiên, sữa đậu nành (hay các dạng thực phẩm khác có nguồn gốc từ đậu nành) và bia có thể là một ngoại lệ, vì chúng có chứa hàm lượng phytoestrogen cao đến mức có thể làm mất cân bằng estrogen của bạn.

Xenoestrogen là hóa chất tổng hợp bắt chước estrogen (nó còn được gọi là estrogen ngoại lai). Xenoestrogen tồn tại trong nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nhựa và chất bảo quản trong mỹ phẩm (ví dụ paraben). Chúng cũng có mặt trong cuộc sống của chúng ta dưới dạng thực phẩm chế biến, thuốc tránh thai, ngay cả chỉ là những chai nước bằng nhựa. Xenoestrogen là một trong những mối lo luôn có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ và suy giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.

Testosterone / progesterone / estrogen tổng hợp thường được sử dụng trong liệu pháp hormone thay thế HRT hoặc ngừa thai. Những hormone tổng hợp này có thể gây xáo trộn hormone với biểu hiện rõ rệt nhất là rối loạn kinh nguyệt.

II. Nguyên nhân từ bệnh lí

Rối loạn nội tiết tố cũng có thể là biểu hiện của những vấn đề y tế tiềm ẩn trong cơ thể nữ giới. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích những nguyên nhân bệnh lý phổ biến nhất gây rối loạn hormone:

1. Rối loạn chức năng tuyến yên

Tuyến yên là một tuyến nội tiết, có kích thước nhỏ tương đương một hạt đậu, nó nằm ở đáy não. Tuyến yên còn được gọi là “tuyến chủ” vì nó tạo ra một số hormone quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các tuyến nội tiết khác trong cơ thể.

Các hoocmon do tuyến yên sản xuất bao gồm prolactin, hormone tăng trưởng (GH), hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone luteinizing (LH), adenocorticotropin (ACTH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Tuyến yên cũng tiết ra hormone chống lợi tiểu (ADH) và oxytocin.

Sau đây là một số bệnh lí về tuyến yên là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố:

  • Khối u tuyến yên: Một khối u hình thành tại tuyến yên có thể khiến cho chức năng của tuyến này hoạt động không đúng hướng. Mặc dù những khối u tuyến yên đa phần là dạng lành tính, không phải ung thư, nhưng chúng vẫn có thể ức chế sự sản sinh các hormone từ tuyến yên gây ra rối loạn nội tiết tố.
  • Hội chứng Cushing: Đây là một bệnh hiếm gặp, có thể thấy ở trẻ em hoặc những người sử dụng corticosteroid liều cao. Với những người bị hội chứng Cushing, hormone tuyến yên – cụ thể là cortisol sản xuất quá nhiều khiến tuyến thượng thận hoạt động quá mức dẫn tới mất cân bằng hormone.
  • Bệnh Gigantism: Đây cũng là một bệnh bẩm sinh, hiếm gặp. Nếu tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng, xương và các bộ phận cơ thể của trẻ có thể phát triển nhanh bất thường. Nếu nồng độ hormone tăng trưởng quá thấp, một đứa trẻ có thể ngừng tăng trưởng chiều cao.

2. Rối loạn chức năng vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi là phần não nằm gần tuyến yên. Nó giữ vai trò trung gian, giúp điều chỉnh sự điều tiết hormone ở các bộ phận khác nhau trong cơ thể, kiểm soát các chức năng như cảm nhận nhiệt độ, thay đổi tâm trạng, cảm giác buồn ngủ, nhịp sinh học, ham muốn tình dục, hay cơn đói.

Vì vậy, bất kì một tác động nào ảnh hưởng tới vùng này đều có thể trở thành nguyên nhân của rối loạn nội tiết. Ngoài các tác nhân thông thường như stress, chế độ ăn uống kém lành mạnh, thừa cân, suy nhược cơ thể, lười vận động, thì chức năng của vùng dưới đồi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khối u hay những dị tật bẩm sinh ở vùng não này (chẳng hạn như hội chứng Prader-Willi).

3. Bệnh tuyến giáp

AD

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm trong cổ, có hình dạng như một con bướm. Tuyến giáp hoạt động quá mức (bệnh cường giáp) sẽ giải phóng dư thừa hormone, nếu nó hoạt động yếu (bệnh suy giáp) thì quá trình sản xuất hormone ở tuyến này lại bị ức chế. Trong đó, bệnh cường tuyến giáp phổ biến hơn nhiều so với bệnh suy giáp.

Phụ nữ bị cường giáp có biểu hiện hay hồi hộp, nhịp tim nhanh, đổ nhiều mồ hôi, giảm cân. Nguyên nhân phổ biến nhất cho tuyến giáp hoạt động quá mức là một rối loạn tự miễn dịch gọi là bệnh Grave.

Phụ nữ bị suy tuyến giáp sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, thay đổi tâm lý, khô da, táo bón. Tuyến kém hoạt động có thể gây ra sự phát triển chậm ở trẻ em. Một số loại suy giáp có mặt khi sinh.

Những khối u tại tuyến giáp cũng là một trong những tình trạng bệnh lý dẫn đến rối loạn hormone.

4. Suy tuyến thượng thận

Khi chức năng tuyến thượng thận suy yếu, nó sẽ tiết chế sự sản xuất hormone cortisol và aldosterone gây ra các triệu chứng mệt mỏi, mất nước, khó chịu ở dạ dày, có sự biến đổi ở tóc và da …

Bệnh Addison là một dạng bệnh suy thượng thận nguyên phát do yếu tố bẩm sinh. Ngoài ra, một bệnh khác liên quan tới tuyến này cũng có thể là nguyên nhân khiến nội tiết tố rối loạn, đó là tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH)

5. Bệnh tiểu đường

Tuyến tụy vừa là một tuyến ngoại tiết, đồng thời cũng giống như một tuyến nội tiết.

Với chức năng ngoại tiết, tuyến tụy tiết ra các enzyme cần thiết để tiêu hóa protein, chất béo và carbohydrate. Chức năng nội tiết của tuyến tụy liên quan đến việc tiết hormone, insulin và glucagon, điều chỉnh lượng đường trong máu. Cơ thể cần một lượng đường trong máu ổn định để cung cấp năng lượng cho não, thận và gan. Bệnh tiểu đường là một bệnh nội tiết khi lượng insulin trong tuyến tụy được giải phóng không ổn định. Nó thể khiến người bệnh có biểu hiện khát nước quá mức, đi tiểu nhiều lần trong ngày, thị lực suy giảm và sụt cân bất thường.

6. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang liên quan tới sự sản xuất quá mức của một loại hormone sinh dục nam trong cơ thể phụ nữ, có tên là androgen.

Nếu androgen tăng cao, nữ giới sẽ có các biểu hiện bên ngoài giống với nam giới như là rậm lông, lông mặt – ria mép nhiều, giọng nói trầm ồm, hói đầu. Không chỉ vậy, PCOS ức chế sự rụng trứng, khiến phụ nữ thường bị mất kinh nguyệt trong chu kỳ của mình. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra vô sinh – hiếm muộn.

Ngoài ra, nồng độ androgen tăng cao còn gặp ở những người bị mắc bệnh Cushing hoặc có khối u ác tính trong buồng trứng.

7. U xơ – tử cung

U xơ tử cung là những khối u hình thành và phát triển từ lớp cơ tử cung. Đây là bệnh lý phụ khoa hay gặp ở chị em phụ nữ độ tuổi sinh sản. Những khối u này đa phần là lành tính và không nhất thiết phải mổ ngay khi được phát hiện. Để biết khi nào nên mổ một khối u xơ trong tử cung, bạn có thể đọc bài viết sau Mọi điều cần biết về mổ u xơ

8. U nang buồng trứng

AD

U nang buồng trứng là một khối chứa dịch lỏng nằm bên trong hoặc ở trên buồng trứng. Khối u nang này có thể xuất hiện ở một bên buồng trứng hoặc đồng thời có ở cả hai bên. Đa phần, u nang buồng trứng là loại lành tính, chỉ có khoảng 10% u nang có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới khả năng thụ thai và sức khỏe của phụ nữ.

9. Những bệnh ít gặp khác

Một số bệnh hiếm gặp cũng có liên quan mật thiết với tình trạng mất cân bằng nội tiết tố đó là:

  • Hội chứng Turner (nữ chỉ có một nhiễm sắc thể X hoạt động)
  • Viêm tụy di truyền
  • Dậy thì sớm
  • Suy buồng trứng nguyên phát

III. Chẩn đoán – xét nghiệm

Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đang bị rối loạn nội tiết tố thì bạn nên đến gặp một bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Để chẩn đoán bước đầu, bác sĩ sẽ khai thác chi tiết các triệu chứng mà bạn gặp phải. Vì thế, hãy cố gắng nhớ lại và liệt kê chi tiết các bất thường mà bạn cho rằng có liên quan tới rối loạn hormone. (Xem chi tiết các dấu hiệu rối loạn nội tiết tố thường gặp)

Đừng quên mang theo danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng. Vì nó cũng có thể là nguyên nhân có liên quan tới tình trạng của bạn.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất để tìm kiếm thêm những bất thường, như là: quan sát hiện tượng lông mọc trên cơ thể, kiểm tra ngực, kiểm tra vùng chậu…

Hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nồng độ hormone trong cơ thể (hormone tuyến giáp, hormone sinh dục, cortisol…).

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như như là siêu âm, CTscan hay MRI để kiểm tra các bất thường trong đường sinh dục hoặc tuyến yên, tuyến giáp, chẳng hạn như sự xuất hiện của một khối u.

KẾT LUẬN
Với rối loạn nội tiết tố, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể như được nêu trên, các bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Biện pháp điều trị phổ biến nhất là liệu pháp thay thế hormone (HRT), để làm giảm các triệu chứng bạn gặp phải. Trong nhiều trường hợp, mất cân bằng nội tiết tố thực sự có thể được giải quyết bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Vì vậy, để tìm hiểu chi tiết hơn về các phương pháp cân bằng nội tiết tố, bạn có thể đọc tiếp bài viết sau: Bị rối loạn nội tiết tố phải làm sao?

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×