AD

Hiểu đầy đủ về phương pháp mổ bóc tách u nang buồng trứng

AD

Mổ bóc tách là phương pháp được áp dụng phổ biến trong những ca phẫu thuật điều trị u nang buồng trứng. Vậy khi nào thì bệnh nhân được áp dụng phương pháp mổ bóc tách? Quy trình thực hiện diễn ra như thế nào? Các bạn có thể tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu nhanh về u nang buồng trứng

Một u nang buồng trứng hình thành khi có sự tích tụ chất lỏng trong buồng trứng. Chất lỏng được bao bọc bởi một lớp vỏ hoặc màng mỏng. U nang buồng trứng trông giống như một chiếc túi kín, phồng lên. Đôi khi, thành phần bên trong khối u có thể là khí hay chất rắn đặc. Tuy nhiên, u nang khác với áp xe vì nó không chứa mủ.

U nang buồng trứng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Khoảng 90% u nang trong buồng trứng là u cơ năng. Đây là những khối u lành tính. U nang cơ năng thì thường không gây ra triệu chứng. Bởi kích thước của chúng còn khá nhỏ và có thể biến mất sau vài tháng mà không cần điều trị. Những u nang cơ năng có kích thước lớn chẳng hạn như u hoàng thể thì có thể gây ra biến chứng vỡ hoặc xoắn.

Tuy nhiên, một số ít u nang trong buồng trứng thuộc loại u thực thể. Những khối u này có nguy cơ tiến triển thành ung thư hoặc gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như là xoắn, vỡ nang. U nang thực thể cần phải mổ mới hết được.

AD

Trong hầu hết các trường hợp, u nang buồng trứng sẽ không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng. Nếu có, thì những biểu hiện của bệnh cũng không đặc biệt hay điển hình, bởi rất nhiều bệnh lý khác có thể cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự.

Các triệu chứng của u nang buồng trứng bao gồm:

  • Đau bụng, đau vùng chậu. Cơn đau diễn ra âm ỉ không liên tục hoặc dai dẳng. Đôi khi cơn đau còn lan xuống đùi và sau lưng. Nó có thể xuất hiện ngay trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu hoặc kết thúc. Cảm giác đau vùng chậu có thể xảy ra trong quá trình giao hợp.
  • Rối loạn kinh nguyệt: chu kỳ kinh nguyệt không đều, lúc đến sớm, lúc đến muộn hoặc rong kinh, rong huyết.
  • Triệu chứng về tiêu hóa: Khi khối u lớn và chèn ép lên trực tràng, chúng có thể khiến người bệnh bị đau khi đi đại tiện, có cảm giác mót đại tiện, thường xuyên bị đầy bụng, tức nặng bụng, hoặc táo bón.
  • Triệu chứng về tiết niệu: Khối u lớn và chèn ép lên bàng quang có thể gây ra triệu chứng buồn đi tiểu thường xuyên, đái rắt, đái buốt.

Bạn nên tới bệnh viện ngay nếu có những dấu hiệu nghiêm trọng sau:

  • Xuất hiện cơn đau đột ngột ở bụng hoặc vùng chậu, đau rất dữ dội
  • Lên cơn sốt cao
  • Nôn mửa
  • Lên cơn sốc, da tím lạnh, nhịp thở nhanh, chóng mặt, cơ thể suy yếu đột ngột

Khi nào một bệnh nhân được chỉ định mổ bóc tách u nang buồng trứng

Mổ bóc tách u nang buồng trứng là ca phẫu thuật thực hiện bóc tách riêng biệt phần khối u ra ngoài, bảo tồn nguyên vẹn những nang trứng khỏe mạnh để không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ về sau.

Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng để mổ bóc tách u nang buồng trứng, đó là mổ nội soi và mổ hở.

Tùy vào đặc điểm và tính chất của khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ phù hợp.

Thường thì, khối u được chỉ định mổ bóc tách trong những trường hợp sau:

  • Khối u có đường kính trên 5cm
  • Khối u không biến mất sau thời gian theo dõi
  • Khối u lành tính (không phải ung thư)
  • Khối u không bị xoắn, vỡ hay xảy ra nhiễm trùng

Đôi khi, một u nang phát triển lớn đến mức xoắn cả buồng trứng. Điều này có thể làm hỏng ống dẫn trứng hoặc vòi trứng, hoặc thậm chí gây chảy máu đe dọa tính mạng. Loại u nang này cần điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho buồng trứng. Nếu xảy ra biến chứng này, thì có thể bác sĩ sẽ phải cắt bỏ buồng trứng nếu như tổn thương quá lớn.

Quy trình mổ bóc tách u nang buồng trứng

Nếu u nang có kích thước dưới 10cm, không nghi ngờ ác tính thì phần lớn các trường hợp đều được chỉ định mổ bóc tách bằng phẫu thuật nội soi. Trong trường hợp, khối u bị dính quá nhiều, kích thước to hoặc nằm ở vị trí khó can thiệp thì cần phải mổ hở.

Công tác chuẩn bị trước khi mổ

Các loại máy móc, dụng cụ cho ca mổ đều được chuẩn bị đầy đủ.

Bệnh nhân trước khi phẫu thuật sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát để đánh giá thể trạng có phù hợp với phẫu thuật hay không. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng với tình trạng của bệnh nhân thì lựa chọn phương pháp mổ nào là phù hợp.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cho biết thêm về những rủi ro có thể gặp trong hay sau mổ. Nếu bệnh nhân chấp nhận thì sẽ kí vào đơn cam kết đồng ý phẫu thuật.

AD

Trước khi vào phòng mổ, bác sĩ sẽ kiểm tra xem có đúng bệnh nhân hay không (xác minh tên, tuổi, giới tính, hồ sơ bệnh án,  tình trạng bệnh tật).

Sau đó, bệnh nhân được vệ sinh tháo thụt, sát khuẩn vùng mổ và gây mê nội khí quản để chuẩn bị cho ca mổ.

Bóc tách u nang buồng trứng bằng mổ nội soi

– Trước tiên, bác sĩ phẫu thuật chính sẽ tạo một đường rạch nhỏ khoảng 2cm ở vùng bụng (thường là dưới rốn).

–  Sau đó, khí CO2 sẽ được bơm vào ổ phúc mạc thông qua kim hoặc trocart.

–  Đèn nội soi gắn camera được đưa vào bên trong thông qua vết rạch để đánh giá tình trạng u nang.

–  Sau khi quan sát được hình ảnh và vị trí của u nang cũng như các tạng khác ở vùng chậu, bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng dao một cực rạch thêm một đường mổ nhỏ khác để đưa các dụng cụ mổ nội soi vào trong.

–  Nếu khối u bị dính với ổ bụng thì phải tiến hành gỡ dính. Trong trường hợp không gỡ dính được, khối u có nguy cơ bị vỡ thì phải chuyển sang mổ hở.

–  Sau khi tiên lượng, đánh giá tình hình thì bác sĩ sẽ tiến hành mổ:

  1. Dùng dao 1 cực, rạch 1 đường dài khoảng 2cm trên bề mặt khối u, sát với buồng trứng.
  2. Dùng forcep (kẹp sản khoa) để cặp vào 1 bên mép vết rạch rồi kéo lên cao.
  3. Dùng que gẩy để bóc tách lấy khối u khỏi vỏ u ra bên ngoài.
  4. Khi đã đến phần cuống khối u, nếu là u nhỏ, không chảy máu thì bóc hết phần u mang ra ngoài. Trường hợp khối u chảy máu ở dưới cuống thì thì dùng dao điện 2 cực đốt vùng dưới đáy khối u, dùng kéo hoặc dao một cực cắt cuống khối u.
  5. Bệnh phẩm được bóc tách khỏi buồng trứng sẽ được đem đi xét nghiệm giải phẫu bệnh lý xem có nguy cơ ung thư hay không.

–  Sau cùng, bác sĩ tiến hành thoát khí CO2 và rút các trocart rồi khâu lại vết mổ.

Bóc tách u nang buồng trứng bằng mổ hở

–  Rạch một vết mổ ở bụng theo đường giữa dưới rốn hay đường ngang trên vệ vào ổ bụng (kích thước vết mổ tùy thuộc vào đặc điểm của khối u, thông thường là khoảng 3 – 4 inch)

– Bác sĩ quan sát khối u để đánh giá mức độ di động của u nang buồng trứng và độ bám dính với các nội tạng lân cận. Nếu u bám dính thì phải gỡ dính cẩn thận để tránh bị vỡ.

AD

–  Chèn gạc xung quanh, tách biệt với khối u

–  Dùng 1 hoặc 2 kìm có răng to, chắc khỏe để cặp vào phần cuống khối u, cặp càng sát khối u càng tốt.

–  Lấy dao rạch nhẹ trên phần trên cùng khối u nơi dính với buồng trứng lành, dùng loại kéo cong có đầu tù kết hợp với lực đầu ngón tay để bóc phần u ra khỏi buồng trứng, sau đó cầm máu.

– Nếu có chảy máu phải tiến hành cầm máu. Hoặc chỉ khâu chưa buộc chặt, chưa khâu hết tổn thương thì phải khâu tăng cường để cầm máu.

–  Bệnh phẩm được bóc tách khỏi buồng trứng sẽ được đem đi xét nghiệm giải phẫu bệnh lý xem có nguy cơ ung thư hay không.

–  Quan sát và kiểm tra buồng trứng còn lại. Nếu bác sĩ nghi ngờ u nang vừa được bóc tách có dấu hiệu ác tính thì họ sẽ cắt một mẫu mô nhỏ ở buồng trứng đối diện để xét nghiệm mô bệnh học.

Những lưu ý sau khi mổ bóc tách u nang buồng trứng

Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải sau khi hết thuốc mê:

Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, người bệnh sẽ được đưa về phòng hậu phẫu để nghỉ ngơi.

  • Buồn nôn
  • Đau vai, đau lưng
  • Chướng bụng, sình bụng
  • Bí tiểu
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ cải thiện dần vài ngày sau khi mổ.

Nếu như người bệnh có những dấu hiệu bất thường như là: chảy máu vùng mổ, đau bụng kéo dài, vết thương rỉ dịch, có mùi hôi, lên cơn sốt cao… thì bệnh nhân cần tái khám ngay để xử lý kịp thời. Vì đây rất có thể là biểu hiện của các biến chứng sau mổ.

➤ Xem chi tiết: Các biến chứng có thể gặp trong và sau khi mổ u nang buồng trứng

Thời gian xuất viện và hồi phục:

So với mổ hở, mổ nội soi u nang buồng trứng có nhiều ưu điểm đó là: tổn thương sau mổ nhỏ hơn, bệnh nhân ít đau hơn, hạn chế biến chứng gặp phải, do đó thời gian hồi phục sức khỏe và lưu viện ngắn hơn. Bệnh nhân có thể quay trở lại với công việc hằng ngày sớm hơn.

Cụ thể, các bệnh nhân sau mổ nội soi thường chỉ cần nằm viện theo dõi sức khỏe từ 1 – 2 ngày là có thể về nhà. Nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. Thông thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hẹn lịch đến cắt chỉ khâu từ 1 – 2 tuần sau phẫu thuật. Vết mổ sẽ lành hoàn toàn sau 4 – 6 tuần, thời gian cụ thể tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.

AD

Trong khi đi đó, với phương pháp mổ hở, bệnh nhân cần nằm viện theo dõi ít nhất từ 5 – 7 ngày. Mổ hở là ca phẫu thuật lớn, vùng tổn thương rộng nên có nhiều rủi ro và biến chứng sau mổ. Thời gian vết mổ lành hoàn toàn từ 6 – 8 tuần.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ:

  • Vết mổ cần được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Người bệnh nên mặc trang phục rộng rãi, thoải mái để tránh ảnh hưởng tới vết mổ.
  • Hạn chế vận động mạnh, không nên quan hệ tình dục cho tới khi vết mổ đã lành và hết đau hoàn toàn.
  • Bệnh nhân cần tái khám để theo dõi sức khỏe định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Xem thêm: Sau mổ u nang buồng trứng nên có chế độ dinh dưỡng thế nào để nhanh phục hồi

Trên đây là những thông tin các bạn cần nắm được về phương pháp mổ bóc tách u nang buồng trứng. Dù thực hiện bằng kỹ thuật nào thì cũng cần yêu cầu đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và trách nghiệm cao, cơ sở trang thiết bị đáp ứng tốt. Điều đó sẽ hạn chế được tối đa rủi ro trong và sau mổ và giúp bệnh nhân phục hồi sớm.

Vì vậy, trước khi quyết định phẫu thuật, hãy tham khảo các cơ sở y tế uy tín và những bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao, để đảm bảo an tâm điều trị.

➤ Có thể bạn muốn biết:

  • Nên mổ u nang buồng trứng ở đâu?
  • Danh sách những bác sĩ mổ u nang buồng trứng giỏi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh
AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×