Mất kinh có nghĩa là không có kinh nguyệt trong một thời gian dài. Liệu mất kinh có ảnh hưởng tới khả năng mang thai của phụ nữ hay không? Cùng tìm hiểu lời giải cho vấn đề trong bài viết sau.
Mục lục
Hiểu đúng về mất kinh nguyệt
Bình thường, phụ nữ có thể bị trễ kinh trong chu kỳ của mình từ một vài ngày cho đến cả tháng. Người ta gọi chung đó là chậm kinh. Nếu tình trạng chậm kinh nghiêm trọng, thì được gọi là vô kinh. Thuật ngữ này áp dụng trong trường hợp phụ nữ đang có kinh bình thường bỗng dưng 3 tháng sau không thấy kinh nguyệt (vô kinh thứ phát) hoặc cho những người quá tuổi dậy thì mà chưa thấy kinh nguyệt xuất hiện, thường là 16 tuổi (vô kinh nguyên phát).
Phụ nữ cũng có thể bị mất kinh nguyệt (vô kinh) trước tuổi dậy thì, trong giai đoạn mang thai, giai đoạn cho con bú và sau mãn kinh. Những trường hợp này được gọi là mất kinh nguyệt sinh lý, là điều hiển nhiên mà hầu hết mọi phụ nữ sẽ phải trải qua trong đời, vì vậy không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên, vô kinh thứ phát và vô kinh nguyên phát thường đại diện cho những vấn đề bệnh lý trong cơ thể phụ nữ. Do đó, cần phải tìm hiểu đúng nguyên nhân để có kế hoạch điều trị kịp thời.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng mất kinh nguyệt
Nguyên nhân của mất kinh nguyên phát
Do dị tật bẩm sinh tại đường sinh dục (vách ngăn âm đạo, không có tử cung, màng trinh không thủng, cơ quan sinh dục giống cả nam và nữ…): Các dị tật bẩm sinh này cản trở dòng máu kinh chảy ra ngoài âm đạo.
Do những rối loạn bẩm sinh: Một số rối loạn bẩm sinh như là hội chứng Turner, Kallmann, tăng sản tuyến thượng thận cũng là lý do hiếm gặp gây ra vô kinh nguyên phát, khiến trẻ em gái dậy thì muộn.
Nguyên nhân của mất kinh thứ phát
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Polyp cổ tử cung
- U xơ tử cung
- Suy buồng trứng
- Rối loạn hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng
- Rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp)
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng, thuốc hóa trị ung thư…)
- Do các vấn đề về lối sống (ăn kiêng quá đà, tập thể dục cường độ cao – chủ yếu là ở những vận động viên nữ, căng thẳng, stress)
Xem chi tiết phân tích về các nguyên nhân gây mất kinh nguyệt, trong bài viết này
Triệu chứng mất kinh nguyệt
Dấu hiệu điển hình của mất kinh nguyệt giống như chính cái tên của nó. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất kinh nguyệt, bạn có thể gặp phải các triệu chứng “đi kèm” khác, như dưới đây:
- Tiết dịch lạ ở đầu núm vú
- Đau đầu, mờ mắt
- Rụng tóc, hói đầu
- Lông, tóc rậm rạp
- Mọc mụn trứng cá nhiều, da nhờn
- Đau vùng chậu
Mất kinh nguyệt có khiến phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn hay không?
Bất cứ khi nào một cô gái có quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp bảo vệ thì cô ấy sẽ có khả năng mang thai. Tuy nhiên, mang thai có liên quan mật thiết với hiện tượng rụng trứng. Một phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hàng tháng sẽ có cơ hội mang thai cao hơn, thay vì những chu kỳ bất ổn, rụng trứng không đều đặn và không thể đoán trước được.
Mất kinh nguyệt thứ phát là tình trạng điển hình cho việc trứng rụng không đều đặn. Một phụ nữ bị vô kinh thì mỗi năm trứng chỉ rụng 3 – 4 lần, thậm chí là 2 lần trong năm. Vì số lần trứng phóng thích vào ống dẫn trứng ít hơn thường lệ, do đó tinh trùng và trứng sẽ ít có cơ hội gặp nhau để thụ tinh. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn hoàn toàn có thể xảy ra, ngay cả khi các cặp vợ chồng cố gắng quan hệ thường xuyên hơn.
Vì lẽ đó, phụ nữ bị vô kinh, mất kinh nguyệt thường cảm thấy hoang mang, nhất là khi họ đã lập gia đình nhiều năm. Không ít phụ nữ rơi vào trạng thái stress và lo âu quá độ vì mong muốn sinh con và áp lực từ phía gia đình.
Mất kinh nguyệt là do nhiều lý do khác nhau, nhưng tỉ lệ phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn cao nhất chủ yếu là ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang và suy buồng trứng.
Mất kinh không chỉ tác động tới khả năng thụ thai của nữ giới, nó còn là điều kiện đẩy nhanh quá trình mãn kinh xảy đến sớm hơn. Nhiều chị em có thể phải đối mặt với vô vàn những vấn đề khổ sở khác như là chứng bốc hỏa, mất ngủ, toát mồ hôi đêm, bất ổn về tâm lý, loãng xương…
Bởi vậy, mọi phụ nữ đều cần khám phụ khoa định kỳ và tầm soát sớm các bệnh lý nguy cơ trước khi lập gia đình để chủ động kế hoạch điều trị nếu chẳng may xuất hiện một yếu tố rủi ro nào đó khiến họ khó mang thai.
Nếu bạn không có kinh nguyệt, bạn có thể khó mang thai. Nhưng hãy chắc chắn rằng chồng của bạn cũng được kiểm tra và đánh giá đúng về khả năng sinh sản. Bởi rất có thể chuyện vô sinh, hiếm muộn là vấn đề xuất phát từ nam giới.
Tùy thuộc vào lý do tại sao bạn bị mất kinh nguyệt và những vấn đề khác liên quan tới hệ thống sinh sản, phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng để hỗ trợ sinh sản. Các bác sĩ thường khuyên bạn nên cố gắng thụ thai theo cách bình thường trong một năm (hoặc sáu tháng, nếu bạn từ 35 tuổi trở lên) trước khi áp dụng các biện pháp điều trị hiếm muộn khác như sử dụng hormone kích trứng, gieo tinh trong buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm…
Phụ nữ nên đi khám mất kinh, vô kinh khi nào?
Mất kinh là biểu hiện điển hình cho nhiều bệnh lý nguy hiểm, hơn nữa mất kinh nguyệt kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh sản của nữ giới. Vì thế, các bạn gái nên đi khám phụ khoa nếu như trên 13 tuổi (không nên chờ cho tới khi 16, 17 mới đi khám) mà chưa thấy kinh nguyệt xuất hiện hoặc có các dấu hiệu bất thường khác như là:
- Phát triển các đặc điểm của giới tính nam
- Gặp vấn đề về thị lực
- Khướu giác kém (dấu hiệu của hội chứng Kallmann)
- Cân nặng thay đổi, thừa cân
- Có dịch lạ chảy ra từ núm vú
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (đã dậy thì và có kinh nguyệt) nên đi khám phụ khoa nếu 3 kỳ kinh nguyệt liên tiếp bị “bỏ lỡ” hoặc có ít hơn 9 chu kỳ kinh nguyệt trong một năm.
🡺 Xem thêm: Các địa chỉ khám mất kinh nguyệt uy tín bạn nên tham khảo
Làm sao để phòng ngừa hiện tượng mất kinh nguyệt?
Nếu bạn bị mất kinh nguyệt là do các bệnh tật bẩm sinh thì sẽ không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, mất kinh nguyệt hay vô kinh có thể phòng ngừa được khi gây ra bởi những thói quen kém lành mạnh trong lối sống hằng ngày.
Những người có chỉ số khối cơ thể cao, béo phì, thừa cân dễ bị mất kinh, hoặc những người tập luyện thể thao quá sức, ăn kiêng không khoa học cũng có thể bị mất kinh. Vì thế, để tránh cho tình trạng này xảy ra, phụ nữ phải biết duy trì những thói quen sống tích cực.
- Cần có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất với 4 nhóm dinh dưỡng cơ bản chất béo, tinh bột – đường, chất xơ, đạm, khoáng chất – vitamin.
- Rèn luyện thể chất với những bài tập vừa phải, không nên vắt kiệt sức lực với các bài tập trong thời gian dài.
- Cân bằng giữa công việc nghỉ ngơi để giải tỏa stress, tránh căng thẳng, dành thời gian thư giãn cho bản thân và làm những điều bạn yêu thích.
- Không nên sử dụng thuốc tùy tiện, nhất là thuốc tránh thai, vì có thể ảnh hưởng tới hormone dẫn tới vô kinh.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân.