AD

Tiết lộ nguyên nhân bất ngờ khiến kinh nguyệt không đều ở tuổi 17

AD

Mặc dù hiện tượng kinh nguyệt không đều có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, trong giai đoạn sinh sản của nữ giới, nhưng dường như nó phổ biến nhất ở tuổi dậy thì.

Kinh nguyệt không đều là gì?

Kinh nguyệt không đều là những bất thường liên quan tới độ dài vòng kinh thời gian hành kinh của nữ giới.

Bất thường về vòng kinh

Một chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới được coi là một vòng kinh. Phụ nữ khỏe mạnh có từ 11 – 13 chu kỳ kinh nguyệt trong một năm. Chu kỳ kinh nguyệt thường dao động trong khoảng 22 – 35 ngày. Độ dài vòng kinh từ 28 – 32 ngày là con số phổ biến nhất. Tuy nhiên, nếu như vòng kinh ít hơn 22 ngày hoặc dài quá 35 ngày thì được gọi là kinh nguyệt không đều.

Kinh nguyệt không đều có nhiều mức độ khác nhau:

  • Nếu 1- 2 tháng, bạn mới hành kinh một lần, lượng máu ra chỉ nhỏ giọt, không đủ thấm băng vệ sinh thì đó được gọi là tắc kinh.
  • Nếu như quá 3 tháng mới hành kinh một lần thì được gọi là mất kinh nguyệt (vô kinh thứ phát). Trong những trường hợp nghiêm trọng, có khi 5 đến 6 tháng mới hành kinh một lần.

Bất thường về thời gian “đèn đỏ”

Ngoài ra, những bất thường về thời gian hành kinh cũng được coi là kinh nguyệt không đều. Thời gian hành kinh trung bình của nữ giới vào khoảng 2 – 7 ngày, phổ biến nhất là 3 – 5 ngày. Nếu như số ngày có kinh nguyệt quá ngắn hoặc quá dài thì cũng được tính là kinh nguyệt không đều. Cụ thể là:

  • Số ngày hành kinh dưới 2 ngày, máu ra ít thì được gọi là thiểu kinh.
  • Số ngày hành kinh trên 7 ngày, được gọi là rong kinh.
  • Nếu như máu kinh vừa ra nhiều vừa kéo dài thì gọi là cường kinh.
  • Máu kinh kéo dài nhưng không mang tính chu kỳ (không xảy ra vào thời gian hành kinh) gọi là rong huyết.

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy 17 là do đâu?

Do yếu tố sinh lý (nguyên nhân chủ yếu)

Ở đầu mỗi một chu kỳ kinh nguyệt, các nang trứng trong buồng trứng nữ giới được huy động để trưởng thành, chỉ có một nang trứng phát triển vượt bậc và trở thành trứng trưởng thành. Đồng thời, trong giai đoạn này, niêm mạc tử cung bắt đầu dày lên do sự kích thích của hormone progesterone, để chuẩn bị nơi làm tổ cho trứng được thụ tinh.

AD

Khoảng 2 tuần trước khi có kinh nguyệt, trứng được phóng thích vào vòi trứng. Nó đi vào tử cung và chờ đợi tinh trùng để thụ tinh. Nếu như hiện tượng thụ tinh không xảy đến, trứng sẽ bắt đầu vỡ ra. Sau đó, lớp lót niêm mạc tử cung bong tróc cuộn theo tế bào trứng trôi ra ngoài âm đạo, quá trình này được gọi là hành kinh. Khi máu kinh đào thải hết, một chu kỳ mới lại bắt đầu.

Về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng cơ thể của một cô gái đôi khi lại không tuân theo một lịch trình chính xác hàng tháng. Điều này rất phổ biến, nhất là trong vòng 2 – 3 năm đầu tiên kể từ thời điểm dậy thì, bắt đầu có kinh nguyệt.

Hầu hết nữ giới dậy thì trong khoảng 12 – 14 tuổi, một số có thể dậy thì sớm hơn hoặc muộn hơn. Nếu bạn đang ở ngưỡng 17 tuổi, kinh nguyệt của bạn không đều thì cũng đừng quá lo lắng. Vì vấn đề này đa phần chỉ là những rối loạn sinh lý tự nhiên trong cơ thể.

Sự bất thường này được lý giải là do những trục trặc liên quan đến hệ thống nội tiết. Hệ thống này bao gồm 3 thành phần quan trọng là vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ sinh sản (tuổi dậy thì), hệ trục nội tiết mới bắt đầu đi vào hoạt động, vì thế nó chưa thực sự ổn định, gây ra những bất thường liên quan đến khâu giải phóng hormone. Rối loạn hormone ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ của bạn, khiến cho kinh nguyệt đến vào một thời điểm khác so với dự kiến. Tất cả điều này là hoàn toàn bình thường, vì vậy một cô gái ở tuổi 17 bị kinh nguyệt không đều thì đôi khi không cần thiết phải quá lo lắng.

Đồng thời, một vài tác nhân khác cũng có thể góp phần khiến cho hệ trục này bị ảnh hưởng dẫn tới kinh nguyệt không đều như là căng thẳng, stress, chất lượng giấc ngủ kém, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thuốc (kháng sinh, thuốc tránh thai,…)…

Do nguyên nhân bệnh lý (ít gặp hơn)

Mặc dù rối loạn kinh nguyệt sinh lý là hiện tượng phổ biến ở tuổi teen, nhưng đôi khi tình trạng này có thể phản ảnh một số bất thường liên quan đến bệnh lí, bao gồm:

Hội chứng buồng trứng đa nang: Dấu hiệu phổ biến là vô kinh, một năm chỉ hành kinh 3 – 4 lần, thậm chí là 2 lần. Kèm theo đó, người bệnh có thể thấy những triệu chứng bên ngoài như là, lông tay chân, ria mép rậm rạp, nhiều mụn trứng cá, giọng nói ồm. Khi siêu âm vùng chậu sẽ thấy buồng trứng bất thường với những u nang nhỏ mọc sát nhau (nang trứng không thể trưởng thành). Đây là bệnh lí hàng đầu gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới, do đó khi vô kinh kéo dài, bạn nên chủ động đi khám để biết rõ nguyên nhân và hướng giải quyết.

Rối loạn chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp là nơi sản xuất 2 hormone quan trọng thực hiện chức năng trao đổi chất trong cơ thể, đó là hormon thyroxin và triiodothyronin. Nếu như 2 hormone này bị dư thừa (xảy ra ở những người bị cường giáp) hoặc tiết ra quá ít (thiểu giáp) thì nó cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh nguyệt của bạn. Cụ thể là, nữ bệnh nhân bị cường giáp có nguy cơ bị thiểu kinh, trong khi nữ giới bị thiểu giáp, suy giáp thì có nguy cơ bị rong kinh.

Suy buồng trứng nguyên phát: Nếu buồng trứng sản xuất quá ít estrogen, thì nữ giới dễ bị mất kinh, kinh nguyệt ít. Suy buồng trứng sớm có thể hình thành từ tuổi dậy thì hoặc bẩm sinh.

Nguyên nhân ít phổ biến hơn: Tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 17 có thể do những nguyên nhân khác, ít gặp hơn như là: khối u tuyến yên, u xơ tử cung, tăng sản tuyến thượng thận, dị tật đường sinh dục (màng ngăn âm đạo, không có tử cung…), hội chứng Tuner, bệnh tự miễn…

Kinh nguyệt không đều ở tuổi 17 – đối phó thế nào?

Chu kỳ kinh nguyệt của chúng ta được quyết định bởi hệ trục nội tiết vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Một khi 3 cơ quan này hoạt đông nhịp nhàng và linh hoạt thì bạn sẽ có vòng kinh ổn định. Mặc dù rối loạn kinh nguyệt ở tuổi 17 có thể là vấn đề tất yếu phải xảy ra, bạn không thể ngăn chặn được. Đôi khi, bạn không cần làm gì cả nhưng nó cũng sẽ tự qua đi vào một thời điểm nào đó. Nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động cải thiện tình trạng của mình, khắc phục những triệu chứng khó chịu bằng cách thay đổi lối sống. Bằng cách:

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

AD

Nếu bạn ăn uống đúng cách, chọn lựa những thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng, nội tiết tố trong cơ thể sẽ ổn định hơn, hệ miễn dịch tốt hơn. Đây là biện pháp tích cực để chống lại hoặc giảm bớt những bất thường về rối loạn kinh nguyệt.

  • Ở tuổi dậy thì, đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, bạn không nên ăn kiêng để giảm cân. Không nên nhịn ăn hay bỏ bữa, không thực hiện những chế độ ăn kiêng hà khắc.
  • Cần ăn uống đủ bữa, đủ chất, với các nhóm dinh dưỡng thiết yếu gồm có tinh bột – đạm – vitamin và khoáng.
  • Hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, nhất là các món ăn có quá nhiều gia vị mặn, ngọt hoặc cay.
  • Tăng cường bổ sung trái cây và rau xanh hay các thực phẩm bổ sung sắt giúp tái tạo hồng cầu (để chống thiếu máu) như là thịt đỏ, hải sản, trứng…
  • Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích, nước ngọt có gas (hạn chế).

Tập luyện thể thao vừa phải

Tập thể dục là một thói quen rất tốt giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Thế nhưng, không phải cứ tập luyện quá nhiều với cường độ liên tục là tốt. Nếu bạn vắt ép sức lực cơ thể với những bài tập nặng, trong thời gian dài, bạn có thể bị vô kinh, do cơ thể không đủ lượng chất béo cần thiết để chuyển đổi hormone.

Thay vào đó, hãy chọn những môn thể thao bạn yêu thích, tập luyện 30 phút mỗi ngày, miễn là nó vừa sức, không khiến bạn quá mệt mỏi.

Quản lý căng thẳng

Căng thẳng sẽ tác động trực tiếp tới các dây thần kinh trong não bộ và ảnh hưởng đến vùng dưới đồi. Khi chức năng não bộ bị rối loạn, tất yếu hoạt động của buồng trứng cũng sẽ ảnh hưởng theo. Do đó, để tránh căng thẳng, bạn cần:

  • Cần dành cho bản thân những phút giây thư giãn, thực hiện những việc bản thân yêu thích để loại bỏ căng thẳng.
  • Dành thời gian tâm sự với cha mẹ hoặc bạn bè để giải tỏa những nỗi lo của bản thân trong vấn đề học hành hoặc bất cứ khúc mắc nào đó bạn cần chia sẻ.
  • Hít thở sâu, tập yoga hoặc ngồi thiền mỗi khi căng thẳng.
  • Ngủ đủ giấc từ 7 – 9 tiếng mỗi ngày, không thức khuya.

Vệ sinh vùng kín đúng cách

Kinh nguyệt là một hiện tượng “gây sốc” với nhiều bạn gái trong độ tuổi dậy thì. Nó có thể khiến không ít cô nàng cảm thấy tự ti, e ngại, nhất là khi bạn dậy thì sớm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều teengirl ngại ngùng chia sẻ vấn đề này với cha mẹ, điều đó khiến có thể các em gặp nhiều rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày, những băn khoăn không được gỡ rối đúng cách, nhất là chuyện vệ sinh vùng nhạy cảm.

Vệ sinh “tam giác giới tính” không đúng cách có thể là điều kiện gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, khiến nữ giới càng thêm khó chịu. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng sinh sản về sau.

Dưới đây là hướng dẫn cách chăm sóc vùng kín cho nữ giới trong độ tuổi dậy thì:

  • Vệ sinh vùng kín hằng ngày sạch sẽ, nhất là trong thời gian có kinh nguyệt.
  • Sử dụng nước rửa phụ khoa có thành phần dịu nhẹ với độ pH phù hợp ở ngưỡng an toàn (pH 5~6) để tránh viêm nhiễm, loại bỏ mùi hôi khó chịu.
  • Không thụt rửa sâu trong âm đạo, vì có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh tại đây, dẫn tới viêm phụ khoa.
  • Chọn lựa băng vệ sinh có độ thấm hút tốt, không có hương liệu nhân tạo, bạn nên thay thường xuyên, bất cứ khi nào cảm thấy máu kinh đã thấm đầy miếng băng vệ sinh cũ.
  • Thay băng vệ sinh 3 – 4h/ lần, bạn có thể thay nhiều lần hơn nếu thấy máu kinh đã thấm ướt hết băng vệ sinh cũ.
  • Với lông vùng kín, chỉ nên tỉa gọn gàng bằng kéo, tránh loại bỏ hoàn toàn hoặc sử dụng dao cạo hay kem tẩy lông.
  • Nên mặc quần áo rộng, thoải mái, có chất liệu thoáng mát, co giãn tốt, nhất là với đồ lót, để máu kinh được tuần hoàn tốt, tránh bí bách mồ hôi.

Kết luận:

Nếu như bạn thấy rằng các triệu chứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt có xu hướng ngày càng trầm trọng và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của bản thân, bạn nên cùng cha mẹ tới các cơ sở y tế để kiểm tra đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý chữa bệnh tại nhà khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×