Buồng trứng là hai tuyến nhỏ (kích thước bằng quả hạnh nhân) nằm cân xứng ở hai thành khung chậu của phụ nữ. Buồng trứng chịu trách nhiệm sản xuất và phóng thích trứng trưởng thành, để chuẩn bị cho giai đoạn thụ tinh. Đồng thời, nó cũng được coi là “nhà máy sản xuất” của hai loại hormone sinh dục quan trọng nhất đó là estrogen và progesterone.
Mặc dù ở điều kiện bình thường, bạn sẽ không cảm nhận được buồng trứng của mình, nhưng nhiều khi bạn có thể thấy đau hoặc khó chịu ở khu vực này, nhất là thời gian rụng trứng. Đau buồng trứng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn. Hãy đọc bài viết sau để tìm hiểu thêm chi tiết.
Mục lục
1. Nguyên nhân thường gặp gây đau buồng trứng trái hoặc phải
1.1. Rụng trứng
Đau buồng trứng trái/ phải khi rụng trứng là một tình trạng khá phổ biến với nữ giới trong tuổi sinh sản, điều này sẽ xảy ra thường xuyên kể từ lúc họ bắt đầu dậy thì cho đến khi mãn kinh.
Mỗi tháng có rất nhiều nang trứng nhỏ được huy động để trưởng thành nhưng chỉ có một trứng duy nhất phát triển trội lên được chọn lọc. Đến ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, trứng trưởng thành sẽ tách khỏi vỏ nang và đi vào ống dẫn trứng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Thời điểm này, chị em sẽ thấy đau âm ỉ ở một trong hai bên buồng trứng. Cảm giác chung sẽ là đau ở vùng chậu trái, phải hoặc đau ở cả hai bên. Mức độ đau thường không nghiêm trọng, nó có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Hơn nữa, nhiều phụ nữ còn bị chảy máu trong quá trình rụng trứng, kèm theo cảm giác buồn nôn và đau.
Có nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải cho nguyên nhân tại sao rụng trứng lại gây đau buồng trứng. Nhưng quan điểm phổ biến nhất được các nhà nghiên cứu chấp nhận đó là vì khi trứng đi qua thành buồng trứng, nó dễ bị tổn thương hoặc sự vỡ ra của nang trứng có thể gây ra đau đớn.
Cơn đau này chỉ là tình trạng sinh lý bình thường và biến mất nhanh chóng. Do đó, bạn không cần phải điều trị. Nếu cảm thấy khó chịu nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai theo kê đơn của bác sĩ để cải thiện tình hình.
1.2. U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là những bọc hình thành trên bề mặt buồng trứng giống như một chiếc túi. Bên trong nang chứa chất lỏng hoặc các thành phần phức tạp. Kích thước của u nang buồng trứng dao động từ vài mm cho đến hàng chục cm. U nang buồng trứng có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, từ khi còn là một bào thai cho tới lúc phụ nữ mãn kinh.
🡆 Xem chi tiết về: Các nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng
U nang buồng trứng có 2 loại chính đó là:
- U nang cơ năng (lành tính): đa phần có kích thước nhỏ, hiếm khi gây triệu chứng, có thể tiêu biến sau 2 – 3 tháng không cần điều trị.
- U nang thực thể (có thể là lành tính hoặc ác tính): thường phát triển âm thầm qua nhiều năm, dễ gây biến chứng, loại u nang này phải mổ mới hết được.
U nang buồng trứng phần lớn là những khối u lành tính.
U nang cơ năng phổ biến hơn nhiều so với u thực thể. Nó xuất hiện thường xuyên nhưng phụ nữ không nhận biết được, vì khối u sẽ nhanh chóng biến mất sau vài tháng, mà hầu như không gây ra triệu chứng.
Với những khối u có kích thước lớn, chúng có thể gây ra triệu chứng nhưng đôi khi khá mơ hồ, hơn nữa người bệnh thường ít khi để ý tới. Chỉ cho tới khi u nang xảy ra biến chứng (vỡ hoặc xoắn) thì dấu hiệu mới trở nên rõ rệt.
Đau buồng trứng hay nói chung là đau ở quanh vùng chậu (dưới rốn) là dấu hiệu phổ biến nhất của căn bệnh này. Cơn đau diễn ra âm ỉ, một số phụ nữ có thể bị đau đớn nhiều, cơn đau lan xuống đùi hoặc ra sau lưng. Kèm theo đó là các triệu chứng khác ít gặp hơn như là:
- Đau rát khi đi tiểu, tiểu tiện không tự chủ
- Đau khi quan hệ tình dục
- Rối loạn kinh nguyệt
- Buồn nôn
- Đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, táo bón
Đây chủ yếu là những triệu chứng xảy ra khi u đã lớn và chèn ép các nội tạng khác như bàng quang, niệu quản, trực tràng.
Khi u nang quá to, do tác động của ngoại lực, chúng rất dễ bị xoắn và vỡ ra. Các dấu hiệu cho thấy u nang của bạn đã vỡ bao gồm:
- Xuất hiện cơn đau vô cùng dữ dội và đột ngột
- Máu chảy âm đạo bất thường
- Sốt cao
- Sốc phản vệ
- Da tái lạnh
- Thở dốc
- Chóng mặt
- Mất nhận thức…
Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để tiến hành phẫu thuật để cầm máu, chống nhiễm trùng ổ bụng. Nếu cứu chữa muộn, nguy cơ tử vong là khá cao.
🡆 Xem thêm: Các phương pháp mổ u nang buồng trứng hiện nay
1.3. Lạc nội mạc tử cung
Một bệnh lý tiềm ẩn khác cũng có thể là nguyên nhân gây đau buồng trứng đó chính là lạc nội mạc tử cung.
Phần nội mạc tử cung đi lạc này có thể tiếp tục phát triển tại những nơi mà nó lạc đến và hình thành lên các mô sẹo, chất kết dính hay thậm chí là khối u tại buồng trứng, gây ra đau đớn.
Lạc nội mạc tử cung khi di chuyển tới buồng trứng, sự kích thích liên tục của estrogen sẽ làm chúng phình to lên, tạo thành khối u đặc trưng gọi là u lạc nội mạc tử cung. Đây là một dạng khối u bệnh lý điển hình của u nang buồng trứng.
Các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung bao gồm:
- Đau vùng chậu khi đại – tiểu tiện
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt (cơn đau thường rất dữ dội)
- Máu kinh ra nhiều và kéo dài (rong kinh)
- Các triệu chứng khác: táo bón, buồn nôn, khó tiêu…
- Vô sinh, hiếm muộn
Lạc nội mạc tử cung hiện nay được điều trị chủ yếu bằng 2 phương pháp đó là: nội khoa (dùng thuốc giảm đau, liệu pháp thay thế hormone HRT) và ngoại khoa (phẫu thuật bảo tồn, phẫu thuật cắt tử cung và phần phụ). Ngoài ra, nếu bệnh nhân bị hiếm muộn thì phải tiến hành điều trị tại các cơ sở chữa vô sinh, từ bước đầu như kích thích buồng trứng, cho đến thụ tinh nhân tạo.
1.4. Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục và cơ quan sinh sản ở phụ nữ, phổ biến nhất từ tuổi 15 – 25. Bệnh chỉ chung tình trạng viêm của bất kì bộ phận nào được nói đến sau đây: cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phần phụ.
Bệnh xuất hiện do rất nhiều tác nhân khác nhau, bao gồm cả mầm bệnh ngoại sinh (Chlamydia, lậu cầu, Mycoplasma…) hay mầm bệnh nội sinh (tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, vi khuẩn E.coli…).
Viêm vùng chậu không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng, nó tùy thuộc vào từng tác nhân gây bệnh. Vì thế, có những người bị nhiễm bệnh nhưng biểu hiện lại rất rầm rộ (chẳng hạn khi nhiễm Lậu cầu), trong khi có những người thì lại rất bình thường (chẳng hạn viêm vùng chậu do Chalmydia). Họ chỉ tình cờ biết bản thân bị bệnh khi đi khám vô sinh, do nhiều năm không có con. Đa phần những trường hợp viêm vùng chậu không rõ triệu chứng khi được phát hiện đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, khó chữa triệt để.
Sau đây là những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh:
- Đau vùng chậu
- Nóng rát khi đi tiểu
- Buồn nôn và nôn
- Rối loạn kinh nguyệt
- Chảy máu âm đạo bất thường, đau khi giao hợp
- Dịch âm đạo ra nhiều, có màu xanh giống như mủ, có mùi hôi khó chịu
- Có thể bị sốt
- Vô sinh, hiếm muộn
Cảm giác đau do viêm vùng chậu dễ bị nhầm lẫn với đau ruột thừa hay đau do mang thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng. Chính vì thế, bác sĩ phải thực hiện thêm xét nghiệm soi tươi dịch âm đạo để tìm kiếm tác nhân gây bệnh và loại trừ các bệnh khác.
Viêm vùng chậu là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nữ giới. Bệnh được điều trị chủ yếu bằng nội khoa khi ở giai đoạn nhẹ, để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, hồi phục tổn thương vùng viêm. Nếu như điều trị nội khoa không có hiệu quả thì phải áp dụng các biện pháp ngoại khoa khác như là áp lạnh, phẫu thuật.
1.5. Hội chứng tàn dư buồng trứng
Hội chứng tàn dư buồng trứng là hiện tượng chỉ xảy ra với những phụ nữ đã trải qua phẫu thuật để cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng. Nhưng nếu như một số mô không bị loại bỏ hoàn toàn (có thể là do sơ sót trong phẫu thuật, các mô dính nhiều, biến thể giải phẫu…), nó có thể tiếp tục đáp ứng và sản xuất nội tiết tố. Điều này có thể gây ra các cơn đau tương tự như bệnh lạc nội mạc tử cung.
Điều trị bao gồm phẫu thuật để loại bỏ các mô còn sót lại hoặc áp dụng liệu pháp hormone để ngăn chặn sự rụng trứng.
2. Một số nguyên nhân phổ biến khác gây đau vùng chậu
Buồng trứng nằm gần nhiều cơ quan và bộ phận khác trong cơ thể. Chính vì thế, cơn đau ở vùng chậu có thể xuất hiện từ buồng trứng hoặc từ cơ quan lân cận. Do đó, một số bệnh lý có thể gây ra cảm giác đau vùng chậu dễ nhầm lẫn với đau buồng trứng. Bao gồm:
U xơ tử cung:
Là những khối u lành tính (rất hiếm khi phát triển thành ung thư), tăng sinh bất thường ở niêm mạc tử cung. Bên cạnh hiện tượng đau và áp lực tại vùng chậu, người bệnh có thể bị chảy máu tử cung bất thường, đau lưng, táo bón, khó tiểu. Biểu hiện bệnh khá giống với u nang buồng trứng.
🡆 Xem thêm: Các phương pháp điều trị u xơ tử cung
Mang thai ngoài tử cung:
Một phụ nữ mang thai ngoài tử cung (thường là tại vòi trứng) có thể gặp phải các cơn đau ở vùng chậu. Kèm theo đó là cảm giác căng tức một bên bụng, chảy máu âm đạo bất thường. Khi kích thước của thai nhi quá lớn, vòi trứng sẽ vỡ theo gây đau đớn dữ dội, xuất huyết ồ ạt. Người bệnh cần được đưa đi cấp cứu nhanh chóng, nhằm ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
Viêm ruột thừa:
Trong trường hợp này, cơn đau sẽ xuất hiện ở gần rốn hoặc bên phải thành bụng. Người bệnh cũng có thể cảm thấy chán ăn, táo bón hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh và nôn mửa.
Táo bón:
Táo bón là hiện tượng rối loạn tiêu hóa rất phổ biến. Táo bón khiến cho phân cứng lại, di chuyển chậm qua đường ruột, khiến người bệnh căng thẳng, đau đớn ở vùng bụng dưới và gặp nhiều khó khăn khi đi đại tiện.
Sỏi thận:
Cơn đau do sỏi thận có thể nghiêm trọng hơn cơn đau thông thường. Vùng đau khu trú vào một bên hông, lưng, gần xương sườn của bệnh nhân. Người bị sỏi thận có thể thấy máu lẫn trong nước tiểu, đi tiểu nhiều lần (hoặc vô niệu), nước tiểu đục, sốt và ớn lạnh.
Nhiễm trùng đường tiết niệu:
Nếu cơn đau của bạn ở vùng trung tâm xương chậu nhiều hơn, bạn có thể bị nhiễm trùng tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường gây rối loạn tiểu tiện (đi tiểu thường xuyên, mót tiểu, tiểu rát, nước tiểu đục…).
3. Đau buồng trứng có phải là ung thư buồng trứng?
Chắc chắn không ít phụ nữ lo sợ rằng đau buồng trứng có nghĩa là ung thư buồng trứng “đang tìm đến”. Trên thực tế, đau buồng trứng là một dấu hiệu của ung thư buồng trứng, chúng có mối liên hệ nhất định. Nhưng lý do đau buồng trứng là bởi ung thư không phổ biến đến vậy. Ung thư buồng trứng chỉ ảnh hưởng tới 11/100.000 phụ nữ. Độ tuổi chung bình của phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh này là 63 tuổi.
Chìa khóa để phát hiện sớm ung thư buồng trứng là kiểm tra phụ khoa định kỳ hằng năm. Ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Ngay cả khi nó đã tiến triển thêm một bậc thì triệu chứng cũng không rõ ràng, bạn có thể nhầm lẫn với rất nhiều tình trạng ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như là táo bón.
Dấu hiệu của ung thư buồng trứng, gồm có:
- Đầy hơi, bụng to, chướng căng
- Ăn nhanh no, mặc dù lượng thức ăn không nhiều
- Giảm cân hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân
- Buồn nôn
- Đau khi quan hệ tình dục
- Thay đổi thói quen đại tiện (hay táo bón, mót đại tiện…)
- Đi tiểu thường xuyên
- Chảy máu âm đạo bất thường (ngay cả khi người bệnh đã mãn kinh)
Những nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Song, các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền (trong gia đình từng có người mắc bệnh này), tiền sử bản thân bị u nang buồng trứng, ung thư vú, ung thư đại tràng hay đã điều trị các bệnh khác bằng liệu pháp hormone thay thế.
4. Đau buồng trứng – khi nào nên đi khám?
Nếu bạn thấy rằng cơn đau xuất hiện ở vùng chậu (mặc dù chưa chắc chắn là tại buồng trứng hay không) kéo dài dai dẳng, kèm theo những biểu hiện bất thường như là nôn, sốt thì bạn nên tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Cụ thể hơn, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được mô tả như dưới đây, hãy đi khám:
- Đau vùng chậu dai dẳng hoặc nghiêm trọng
- Vòng kinh dài hơn 35 ngày hoặc ngắn hơn 22 ngày
- Rong kinh, rong huyết, có nhiều cục máu đông trong máu kinh
- Chảy máu bất thường (không phải chu kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh, sau khi quan hệ)
- Có lẫn máu trong nước tiểu
- Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, buồn nôn hoặc nôn
*** Hãy ghi chép lại chính xác mức độ đau, vị trí xuất hiện cơn đau, thời điểm bạn bị đau trong ngày…Đó có thể là những thông tin quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán ở bước đầu.
5. Chẩn đoán cơn đau buồng trứng thế nào?
Việc chẩn đoán để tìm đúng nguyên nhân gây đau buồng trứng không phải là vấn đề đơn giản, vì các cơ quan sinh sản là một hệ thống và có liên quan mật thiết đến nhau.
5.1. Khám lâm sàng
Nếu bạn đi khám bác sĩ vì đau buồng trứng, đầu tiên bạn sẽ trải qua bước khám lâm sàng bao gồm hỏi bệnh và kiểm tra thể chất.
Hỏi bệnh:
Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi đơn giản như là:
- Cơn đau bắt đầu từ khi nào?
- Cảm giác đau ra sao, vị trí cơn đau là ở đâu?
- Có điều gì khiến cơn đau tồi tệ hơn hay không?
- Bạn có các triệu chứng khác như chảy máu âm đạo, tiết nhiều khí hư…hay không?
Bác sĩ cũng muốn biết chi tiết về tình trạng bệnh sử trước đó của bạn để tìm hiểu xem bạn có từng bị mắc bệnh phụ khoa hay trải qua phẫu thuật vùng chậu trước đó hay không?
Một vấn đề khá nhạy cảm khác đó là “đời sống tình dục” của bạn cũng có thể được khai thác chi tiết, để có thêm thông tin chẩn đoán bệnh cụ thể hơn. Điều quan trọng là bạn không được e ngại, hãy bình tĩnh và chia sẻ trung thực. Đó là cách tốt nhất để bạn có thể biết được nguyên nhân tại sao mình bị đau buồng trứng.
Kiểm tra thể chất:
Đối với những bệnh nhân bị đau buồng trứng, bác sĩ sẽ kiểm tra bụng, sau lưng và hai bên hông chậu. Bác sĩ có thể ấn vào vùng chậu (vị trí buồng trứng) để kiểm tra dấu hiệu đau của bệnh nhân, cũng như sờ nắn vùng này để tìm kiếm bất thường khác.
Cùng với đó, bác sĩ có thể lấy thêm một mẫu dịch âm đạo để thực hiện xét nghiệm phết tế bào PAP, giúp đánh giá nguy cơ nhiễm trùng hoặc sự xuất hiện của các tế bào bất thường.
5.5. Khám cận lâm sàng
Thử thai: Bệnh nhân cần xét nghiệm máu hoặc dùng que thử thai để đảm bảo chắc chắn rằng các triệu chứng mà mình đang gặp phải không liên quan tới mang thai hay mang thai ngoài tử cung.
Xét nghiệm máu: Để loại trừ viêm vùng chậu, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số về: protein phản ứng C (CRP), tốc độ lắng máu (ESR) hoặc số lượng bạch cầu. Lượng bạch cầu tăng là dấu hiệu cho thấy đang có nhiễm trùng (có thể liên quan tới viêm vùng chậu).
Xét nghiệm máu sẽ giúp loại trừ tình trạng tương tự như là nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi bệnh này có thể gây ra cảm giác đau ở vùng chậu nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng hay bằng chứng khi xét nghiệm máu. Nếu nghi ngờ có sỏi thận, bác sĩ có thể cho bệnh nhân chụp CT để làm rõ vấn đề này.
Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm, chụp CT hoặc MRI sẽ giúp bác sĩ thấy được hình ảnh bên trong buồng trứng và các cơ quan gần kề để phát hiện bất thường, chẳng hạn như dấu hiệu của một khối u, tình trạng viêm ruột thừa, viêm túi thừa.
Chẩn đoán phân biệt: Các vấn đề về đường tiêu hóa, như táo bón hoặc thậm chí các tình trạng nghiêm trọng hơn, như viêm ruột thừa hoặc viêm túi thừa, có thể dẫn đến đau hoặc khó chịu có thể bị nhầm lẫn với đau buồng trứng nên cần được chẩn đoán phân biệt.
Nguồn tham khảo:
- https://www.verywellhealth.com/ovary-pain-causes-and-treatment-514437
- https://www.healthline.com/health/womens-health/ovary-pain#see-your-doctor