Mục lục
1. U nang buồng trứng được phát hiện khi nào?
U nang buồng trứng là bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy vậy, các triệu chứng của bệnh khá mơ hồ, hầu như các chị em sẽ không biết rằng trong cơ thể đang tồn tại một khối u.
Các dấu hiệu của bệnh bao gồm:
- Đau bụng dưới, lúc đau âm ỉ lúc thì tức nặng, cơn đau có thể lan ra sau lưng hay đùi
- Đau trong khi giao hợp và đau nhiều trong thời gian có kinh nguyệt
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Rối loạn tiểu tiện (bí tiểu hoặc tiểu nhiều lần, đi tiểu không kiểm soát)
- Rối loạn đại tiện (hay đầy bụng, mót đại tiện, táo bón)
- Căng tức ngực, đau nhức vú
Các dấu hiệu khẩn cấp, cần tới bệnh viện ngay:
- Cơn đau bụng đến đột ngột và dữ dội, cơn đau xuất hiện ở vùng chậu, ngay dưới rốn
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đầu óc choáng váng, ngất xỉu
- Mất nhận thức, thở nhanh
- Da tái lạnh
- Chân phù nề
- Sốt cao, toàn thân run rẩy, sốc phản vệ
- Chảy máu âm đạo bất thường
➤ Những biểu hiện này thường xảy ra khi u nang buồng trứng bị vỡ hoặc xoắn dẫn tới viêm phúc mạc chậu, nhiễm khuẩn toàn thân. Đây là những tình huống hết sức nguy kịch, cần phải điều trị càng sớm càng tốt, nếu không người bệnh sẽ bị đe dọa tới tính mạng.
Hầu như, u nang buồng trứng chỉ được phát hiện ra thông qua những tình huống sau:
- Tình cờ phát hiện ra khi đi khám phụ khoa định kỳ hoặc khám sức khỏe tổng quát về một vấn đề khác.
- Phát hiện ra khi đi siêu âm trước khi có kế hoạch mang thai hoặc trong thai kì.
- Phát hiện khi u nang đã xảy ra biến chứng nghiêm trọng, xoắn hoặc vỡ khối u (bệnh nhân phải tới bệnh viện cấp cứu).
2. Các xét nghiệm áp dụng để chẩn đoán u nang buồng trứng
Sau khi trải qua thời gian hỏi bệnh, khám thực thể (chẩn đoán lâm sàng – khai thác các triệu người bệnh mô tả, tình trạng bệnh tật, tuổi tác, tiền sử gia đình,…) thì bệnh nhân sẽ được thực hiện một số xét nghiệm (chẩn đoán cận lâm sàng) để loại trừ các bệnh không liên quan, xác định có hay không sự tồn tại của khối u và đặc tính của chúng.
Cụ thể, các loại hình xét nghiệm bao gồm:
2.1. Thử thai
Người bệnh được chỉ định dùng que thử thai hoặc xét nghiệm máu (kiểm tra nồng độ Beta-hCG) để xác định xem họ có đang mang thai hay không. Bởi, đôi khi triệu chứng của bệnh u nang buồng trứng và những người đang mang thai khá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt là trường hợp có thai ngoài tử cung. Do đó, bệnh nhân cần phải thử thai để xác định điều này. Ngoài ra, nếu một phụ nữ vừa mang thai và đồng thời có u nang buồng trứng thì sử dụng biện pháp thử thai sẽ giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị phù hợp, vì đây là đối tượng nhạy cảm.
2.2. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm chỉ số các hormone:
Kiểm tra sự chênh lệch nồng độ các hormone trong cơ thể như là LH, FSH, estradiol, testosterone.
Xét nghiệm huyết thanh CA-125 (CA: Cancer Antigen):
CA-125 (Cancer Antigen, ngưỡng bình thường của CA 125 là 35 U/ml) là một chất chỉ điểm ung thư. Khi đã phát hiện được u nang buồng trứng mà nghi ngờ khả năng ác tính, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm này để sàng lọc nguy cơ ung thư. Đồng thời, xét nghiệm này cũng được ứng dụng để theo dõi điều trị ung thư hay kiểm tra ung thư tái phát.
Trong một số trường hợp như là u xơ thể lành tính hoặc lạc nội mạc tử cung, thì chỉ số xét nghiệm huyết thanh cũng cho kết quả dương tính. Song, nó không đủ căn cứ để chẩn đoán quyết định ung thư buồng trứng.
2.3. Xét nghiệm hình ảnh
Siêu âm

Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chính được áp dụng trong chẩn đoán cận lâm sàng u nang buồng trứng.
Siêu âm giúp bác đánh giá được đặc tính của khối u bao gồm kích thước, hình dạng, vị trí, thể rắn hay lỏng…Đồng thời, kết quả siêu âm cũng cho biết được tình trạng của ổ bụng, tử cung và các tổ chức khác thuộc phần phụ.
Hiện nay, có hai phương pháp siêu âm được áp dụng trong trong công tác chẩn đoán các bệnh phụ khoa, đó là siêu âm qua ngã âm đạo (siêu âm đầu dò âm đạo) và siêu âm qua ngã bụng.
Siêu âm đầu dò âm đạo thường cho hình ảnh chi tiết và mức độ chính xác cao hơn so với siêu âm qua ngã bụng. Để tìm hiểu chi tiết hơn về 2 kỹ thuật này cùng những hình ảnh siêu âm u nang buồng trứng, các chị em có thể xem bài viết sau: Quy trình siêu âm u nang buồng trứng thực hiện ra sao?
Chụp Cộng hưởng từ (MRI) hoặc Chụp cắt lớp (CT)
– Chụp cộng hưởng từ là một kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. Kỹ thuật chẩn đoán này giúp bác sĩ làm rõ hơn kết quả sau khi siêu âm. Chụp MRI không sử dụng tia X nên hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe, song chi phí thực hiện tương đối cao. Với những u nang buồng trứng đơn giản, kích thước nhỏ thì việc áp dụng kĩ thuật siêu âm là đủ cần thiết, vì vậy trong nhiều trường hợp không bắt buộc phải thực hiện.
– Chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật chẩn đoán y khoa sử dụng tia X để quét lên một vùng nhất định của cơ thể theo mặt cắt ngang, kết hợp với xử lý bằng máy vi tính để cho ra hình ảnh 2D hay 3D của vùng cần chiếu chụp. Với bệnh nhân bị u nang buồng trứng lớn, dạng phức tạp, công tác chụp CT sẽ giúp chẩn đoán tình trạng lan rộng của khối u với khả năng phân giải hình ảnh cao hơn, chất lượng ảnh rõ nét.
2.4. Chọc hút tế bào
Chọc hút tế bào là thủ thuật dùng một cây kim nhỏ và rỗng ruột, chọc xuyên qua da vào tới khối u để lấy một mẫu mô. Sau đó, mẫu mô này sẽ được phân tích xét nghiệm tế bào học trong phòng xét nghiệm, nhằm xác định bản chất của khối u, là dạng lành tính hay ác tính.
Kết luận:
U nang buồng trứng được phát hiện càng sớm, hiệu quả điều trị càng cao, rủi ro biến chứng càng thấp. Do đó, các chị em đừng ngần ngại đi khám khi cơ thể có những biểu hiện bất thường. Ngoài ra, phụ nữ cần chủ động kiểm tra phụ khoa định kỳ 2 lần/ năm để bảo vệ sức khỏe bản thân và khả năng sinh sản của mình.
➤ Có thể bạn quan tâm: Nên khám u nang buồng trứng ở đâu, chi phí ra sao?