Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong những bệnh nội tiết tố phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đến nay, căn bệnh này vẫn chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị đa phần là dùng thuốc nhằm điều chỉnh bất thường về nội tiết tố, để làm giảm sự dư thừa androgen, testoterone, cải thiện các triệu chứng của bệnh và tăng khả năng mang thai.
Mục lục
Buồng trứng đa nang là bệnh gì
Các triệu chứng của PCOS thường xuất hiện ở tuổi vị thành niên, vào khoảng thời gian của kỳ kinh đầu tiên, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn nhiều. Triệu chứng của bệnh rất khác nhau ở từng người.
Một người được chẩn đoán mắc PCOS khi có 2 trong 3 điều kiện sau (trong trường hợp không có bệnh khác gây tăng tiết androgen chẳng hạn như bệnh tuyến thượng thận di truyền hoặc khối u buồng trứng hoặc tuyến thượng thận):
1- Trễ kinh, vô kinh: Ở bệnh nhân PCOS, tần suất rụng trứng ít đi, dẫn đến tình trạng trễ kinh (chu kỳ kinh kéo dài hơn 35 ngày), thậm chí là vô kinh (3 -6 tháng không có kinh nguyệt).
2- Rậm lông, nhiều mụn trứng cá: Sự sản xuất quá mức của hormone sinh dục nam testosterone trong cơ thể nữ dẫn tới các biểu hiện mang điểm sinh dục thứ cấp giống nam giới như là rậm lông (lông có nhiều ở mặt, tay, chân hay bụng, nhưng tóc trên đỉnh đầu thường rụng nhiều, 70% bệnh nhân PCOS có triệu chứng này), da mặt dầu nhờn, lỗ chân lông to, nhiều mụn trứng cá.
3- Nhìn thấy nhiều nang trứng nhỏ trên siêu âm: Khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, bình thường mỗi buồng trứng chứa từ 5 đến 10 nang trứng nhỏ khoảng 5mm. Chỉ một trong số chúng sẽ trở thành tế bào trứng thụ tinh. Trong PCOS, quá trình trưởng thành của nang trứng bị chặn lại bởi androgen dư thừa, do đó các nang trứng chưa trưởng thành sẽ tích tụ trong buồng trứng mà không có nang trứng trội. Thông qua hình ảnh siêu âm vùng chậu cho thấy buồng trứng chứa nhiều nang nhỏ (ít nhất 20 nang có đường kính dưới 9 mm) và / hoặc thể tích buồng trứng lớn (lớn hơn 10 ml), không có sự hiện diện của nang hoặc nang trội.
🢂 Hội chứng buồng trứng đa nang không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Nó còn là nguồn cơn gây ra các biến chứng lâu dài khác như: béo phì (có ở khoảng 50% bệnh nhân), rối loạn lipid máu, tăng huyết áp động mạch, bệnh tim mạch, rối loạn đường huyết, bệnh tiểu đường. Hội chứng buồng trứng đa nang cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Lưu ý rằng bệnh cảnh lâm sàng xấu đi trong trường hợp tăng cân và có mối tương quan giữa chỉ số khối cơ thể và tình trạng vô sinh do bệnh này.
Hội chứng buồng trứng đa nang điều trị bằng thuốc gì?
PCOS hiện nay chưa có thuốc điều trị chuyên biệt. Các loại thuốc được kê tùy thuộc vào triệu chứng của người bệnh và mong muốn được điều trị. Cụ thể:
Thuốc trị mụn trứng cá
Nếu người bệnh lo ngại về vấn đề mụn trứng cá, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tránh thai estrogen-progestin để khôi phục sự cân bằng nội tiết tố. Tất nhiên, thuốc tránh thai chỉ áp dụng với những người không có nguyện vọng sinh sản nữa.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc trị mụn ở dạng kem bôi tại chỗ (benzoyl peroxide, tretinoin, derma forte), kháng sinh đường uống và một số loại thuốc khác.
Thuốc trị chứng rậm rông
Đối với chứng rậm lông, bệnh nhân cũng sẽ được kê đơn thuốc tránh thai để giảm nồng độ androgen hoặc spironolactone, giúp ức chế sự phát triển của lông trên cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc Flutamide (chuyên chỉ định điều trị ung thư tuyến tiền liệt) dựa vào khả năng kháng androgen của nó để giảm thiểu sự gia tăng hormone nam giới.
Nhưng nhìn chung, điều trị vật lý (kem tẩy lông, laser tẩy lông) là các biện pháp hữu hiệu hơn cả nếu như người bệnh muốn loại bỏ lông trên cơ thể nhanh nhất.
Thuốc điều hòa kinh nguyệt
Thuốc tránh thai cũng thường được kê đơn để điều trị cho các vấn đề về kinh nguyệt ở bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Người bệnh thường được dùng progestin ngắt quãng (ví dụ: medroxyprogesterone 5 đến 10 mg uống một lần / ngày trong 10 đến 14 ngày sau mỗi 1 đến 2 tháng) hoặc thuốc tránh thai để giảm nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và ung thư. Những phương pháp điều trị này cũng làm giảm nội tiết tố androgen giúp cho kỳ kinh ổn định trở lại.
Thuốc điều trị kháng insullin
Nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang có biểu hiện thừa cân và kháng insullin (điều kiện gây bệnh tiểu đường), những vấn đề này có thể làm giảm khả năng sinh sản. Vì thế, người bệnh có thể sử dụng thuốc trị tiểu đường kết hợp với thay đổi lối sống (kiếm soát chế độ ăn uống và tập luyện) để hồi phục hình thể bình thường, giảm nguy cơ mắc các biến chứng khác.
Metformin 500-1000mg/2 lần ngày được sử dụng để tăng độ nhạy cảm với insulin ở những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, kinh nguyệt không đều, hoặc bệnh tiểu đường, kháng insulin trong trường hợp thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc tránh thai không mang lại hiệu quả.
Metformin cũng có thể làm giảm mức testosterone dư thừa, điều chỉnh các bất thường về trao đổi chất và lượng đường trong máu và làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn. Khi dùng loại thuốc này, bệnh nhân cần được đo đường huyết, xét nghiệm gan, thận định kỳ. Vì thuốc có thể kích thích rụng trứng, nên cần phải có biện pháp ngừa thai nếu như không muốn mang thai.
Với những phụ nữ có mong muốn sinh con, việc kết hợp Metformin và Clomiphene hoặc Letrozole sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao.
Metformin ít có tác dụng điều trị với mụn trứng cá, tình trạng rậm lông ở phụ nữ PCOS. Khi sử dụng Metformin, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, dị ứng da…
Thuốc điều trị vô sinh (ở phụ nữ muốn có thai)
Clomiphene
Đối với phụ nữ muốn mang thai, Clomiphene hiện là liệu pháp điều trị đầu tiên trong điều trị vô sinh. Clomiphene kích thích tuyến yên sản xuất hormone FSH và LH để thúc đẩy trứng trưởng thành và rụng đúng chu kỳ, đồng thời chuyển đổi androgen thành Estrogen, giúp hạn chế hormone nam dư thừa.
Lưu ý, trong quá trình điều trị bằng Clomiphene, người bệnh cần tránh sử dụng các liệu pháp nội tiết có tác dụng tránh thai khác như đặt vòng tránh thai nội tiết, uống thuốc tránh thai…
Letrozole
Letrozole là loại thuốc được dùng để điều trị ung thư vú nhưng cũng có thể được sử dụng để kích thích rụng trứng ở phụ nữ PCOS. Letrozole hoạt động để gây rụng trứng bằng cách ngăn chặn sản xuất estrogen, dẫn đến tăng giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH).
Bệnh nhân vô sinh do PCOS hoặc vô sinh loại khác nhưng không đáp ứng điều trị bằng Clomid thì có thể dùng Letrozole. Theo nghiên cứu cho thấy, thuốc Letrozole cho hiệu quả điều trị cao hơn so với Clomiphene trong hỗ trợ điều trị buồng trứng đa nang.
Tỉ lệ thành công khác nhau tùy theo độ tuổi và chẩn đoán khả năng sinh sản của phụ nữ. Nói chung, rụng trứng thành công xảy ra trong 60% chu kỳ và tỉ lệ sinh sống ở bệnh nhân PCOS <35 tuổi là 15-17% mỗi chu kỳ.
Nguy cơ sinh đôi với letrozole được ước tính là khoảng 3-5%, có vẻ thấp hơn nguy cơ sinh đôi với clomiphene citrate (7-8%), nhưng vẫn cao hơn nguy cơ sinh đôi trong một thai kỳ tự phát ( 2-3%). Mặc dù trường hợp sinh ba và mang thai bậc cao rất hiếm, nhưng những trường hợp này có thể xảy ra <1%.
Khi sử dụng thuốc, đôi khi người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, chóng mặt, xảy ra ở khoảng 10 – 20% bệnh nhân.
Xem chi tiết: Các phương pháp điều trị khác cho hội chứng buồng trứng đa nang
Chữa đa nang buồng trứng bằng thuốc đông y
Theo bác sĩ Đông y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đa nang buồng trứng hình thành là bởi thận âm hư, thận dương hư hay khí huyết hư. Để chữa bệnh hiệu quả, người bệnh cần thăm khám đầy đủ để xác định được nguyên nhân, đồng thời dùng các bài thuốc phù hợp với bệnh tình, thể trạng của mình.
Sau đây là 3 bài thuốc điển hình dùng để chữa đa nang buồng trứng được bác sĩ Hải chia sẻ:
Bài thuốc số 1:
Đa nang buồng trứng do thận dương hư kèm đảm thấp ứ trệ, dẫn đến các triệu chứng như là kinh thưa, vô kinh, máu kinh ít, đau bụng kinh nhiều, mập phì, nặng đầu, sợ lạnh, tử cung lạnh…
Chủ trị dùng các loại thuốc có tác dụng ôn bổ tỳ, thận, hóa đàm, trừ thấp, làm ấm tử cung giúp việc thụ thai dễ dàng hơn.
- Thang thuốc: Sài hồ 12 g, bạc hà 12 g, sa tiền 12 g, cam thảo 4 g, gừng xao 1 g, sinh địa 12 g, xương truật 12 g, thổ phục linh 12 g, đương quy 12 g, xuyên khung 12 g, xích thược 12 g, mộc thông 12 g, bạch thược 12 g, táo 3 quả.
- Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bắt, chia thành 3 lần uống trong một ngày.
Bài thuốc số 2:
Đa nang buồng trứng do thận âm hư, can uất, khiến người bệnh thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt, trễ kinh, vô kinh, người gầy, mặt đỏ, tâm trạng bất ổn…
Chủ trị là bổ can, thận, dưỡng huyết, hòa can với các loại thuốc phù hợp.
- Thang thuốc: Sinh địa 16 g, kỷ tử 16 g, đương quy 12 g, đan bì 12 g, bạch thược 12 g, mạch môn 12 g, đan sâm 12 g, tri mẫu 12 g, ngưu tất 12 g, ích mẫu 12 g.
- Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bắt, chia thành 3 lần uống trong một ngày.
Bài thuốc số 3:
Đa nang buồng trứng do khí huyết hư cũng khiến kinh nguyệt không đều, kinh thưa, chậm kỳ, vô kinh, buồng trứng đa nang, đau bụng trước hoặc trong khi có kinh, máu kinh số lượng ít, sẫm màu, có máu cục, cơ thể gầy yếu, da xanh tái, mệt mỏi.
Chủ trị dùng các loại thuốc bổ dưỡng khí huyết, tán hàn, thông ứ giải quyết các nguyên nhân trên giúp người bệnh sớm mang thai.
- Thang thuốc: Đẳng sâm 12 g, hoàng kỳ 12 g, bạch truật 12 g, bạch thược 12 g, đương quy 12 g, kỷ tử 12 g, thục địa 12 g, quế nhục 4 g, táo 3 quả, cam thảo 4 g, đỗ trọng 12 g.
- Cách dùng: Đổ 5 bát nước, sắc thành 3 bát, chia thành 3 lần uống trong một ngày.
Ngoài việc uống thuốc hằng ngày, người bệnh cần sát sao hơn với chế độ ăn uống, chú ý cắt giảm các loại thức ăn cay nóng, đồ uống kích thích. Cần kiên trì uống trong vài tháng để điều hòa kinh nguyệt, từ đó niêm mạc, trứng phát triển sẽ tăng cơ hội thụ thai.
Nguồn tham khảo:
- https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-chua-buong-trung-da-nang-n102943.html
- https://www.nrmvt.com/letrozole-for-pcos/