AD

Buồng trứng có nhiều nang nhỏ thực chất là bệnh gì?

AD

Buồng trứng có nhiều nang nhỏ thực chất được gọi là hội chứng buồng trứng đa nang. Theo thống kê, có khoảng 12 – 18% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, có rất nhiều người không hiểu buồng trứng đa nang là gì? Vì sao nó lại trở thành mối lo ngại của hầu hết các chị em phụ nữ hiện đại?

Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Hội chứng buồng trứng đa nang (tiếng Anh: Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là hiện tượng trong buồng trứng của nữ giới có rất nhiều nang trứng nhỏ do sự rối loạn của hormone nội tiết gây ra.

Đa nang buồng trứng không phải là bệnh u nang buồng trứng như nhiều người nhầm tưởng. Trong y học, đây không được xem là một bệnh lý nhưng nó lại gây ra rất nhiều phiền phức cho chị em phụ nữ.

Cụ thể là, khi phụ nữ bị mắc hội chứng này, nồng độ hormone sinh dục nam Androgen tiết ra quá nhiều (cường Androgen) nên làm ngăn cản sự phát triển và phóng thích nang noãn trưởng thành. Từ đó khiến cho chu kỳ rụng trứng xảy ra không đều đặn và gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Hiện nay, tỉ lệ phụ nữ mắc phải hội chứng này đang ngày càng gia tăng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh hiếm muộn.

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng buồng trứng đa nang

AD

Buồng trứng đa nang được coi là một hội chứng vì nó có rất nhiều triệu chứng khác nhau, người ta phân chia ra làm 3 nhóm triệu chứng chính đó là:

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng sẽ khiến cho lông trên cơ thể phát triển rậm hơn.

Nhóm thứ nhất: các dấu hiệu bất thường do rối loạn nội tiết gây ra

  • Hệ lông phát triển mạnh: phụ nữ bị rậm lông trên cơ thể đặc biệt là một số vùng như tay, chân, ria mép, cằm, ngực hay dưới rốn
  • Thừa cân, béo phì, chỉ số khối cơ thể cao
  • Hói đầu
  • Da mặt nhờn, nổi nhiều mụn trứng cá
  • Đầy bụng, khó chịu ở vùng bụng dưới

Nhóm thứ 2: các dấu hiệu bất thường do rối loạn kinh nguyệt gây ra

  • Vòng kinh thưa trên 35 ngày và số kỳ kinh nguyệt dưới 8 lần/ năm
  • Những trường hợp nặng, nhiều chị em bị vô kinh thì tới 5 – 6 tháng mới có kinh 1 lần, số kỳ kinh nguyệt chỉ từ 2 – 3 lần/ năm

Nhóm thứ 3: dấu hiệu bất thường qua chẩn đoán bằng hình ảnh

  • Thông qua siêu âm, các bác sĩ nhận thấy buồng trứng của bệnh nhân có nhiều nang nhỏ xâu chuỗi, thường là trên 12 noãn, kích thước 2 – 9mm, nằm xung quanh rìa buồng trứng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán buồng trứng đa nang

Sau nhiều năm lập gia đình nhưng chưa có con, cộng thêm với tình trạng chu kỳ kinh nguyệt rất thưa khiến nhiều chị em lo lắng nên đã đi khám phụ khoa. Thông qua việc kiểm tra phụ khoa, họ mới biết mình bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Trong chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng hội chứng buồng trứng đa nang, người ta đặc biệt chú ý tới 3 dấu hiệu điển hình đó là rối loạn kinh nguyệt, cường Androgen (rậm lông và nhiều mụn trứng cá) và hình ảnh buồng trứng nhiều nang nhỏ trên siêu âm. Nếu có từ 2 dấu hiệu trở lên thì người bệnh sẽ được chẩn đoán là mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Nếu qua siêu âm chỉ thấy hình ảnh buồng trứng nhiều nang nhỏ mà không có triệu chứng bất thường do rối loạn kinh nguyệt hay dư thừa Androgen gây ra thì cũng không đủ điều kiện để kết luận người đó bị đa nang buồng trứng.

Có 2 hình thức siêu âm để chẩn đoán hình ảnh buồng trứng đa nang đó là:

  • Siêu âm qua ngã bụng: Phù hợp với những bé gái tuổi dậy thì hoặc phụ nữ chưa có quan hệ tình dục.
  • Siêu âm qua ngã âm đạo: Phụ nữ đã có quan hệ tình dục, đã lập gia đình thì thường khuyến khích áp dụng hình thức siêu âm này. Siêu âm qua ngã âm đạo tuy gây ra đôi chút khó chịu, song đầu dò siêu âm được tiếp xúc gần với buồng trứng hơn nên cho những hình ảnh khảo sát chính xác hơn siêu âm qua ngã bụng.

Nguyên nhân hội chứng buồng trứng đa nang

Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng buồng trứng đa nang. Nên có nhiều giả thuyết được các nhà khoa học chú tâm tới và cho là liên quan tới hội chứng này đó là:

Do rối loạn nội tiết

Trong quá trình mang thai, nồng độ hormone Androgen của người mẹ tăng cao nên làm ảnh hưởng tới bào thai nữ. Những trẻ em gái khi sinh ra có tỉ lệ buồng trứng đa nang nhiều hơn.

AD

Androgen là một hormone nội tiết có nhiều trong cơ thể của nam giới, ở phụ nữ cũng có nhưng nồng độ ít hơn nhiều. Trường hợp bị buồng trứng đa nang thì Androgen sẽ nhiều hơn so với mức bình thường và độ nhạy của Androgen với các cơ quan tiếp nhận sẽ mạnh mẽ hơn. Vì lí do này nên người bệnh sẽ các biểu hiện giống với đặc tính của nam giới như là hệ thống lông phát triển mạnh, có nhiều lông ở tay chân thậm chí là lông ở cằm, ria mép…

Do yếu tố di truyền

Một số bất thường về di truyền dẫn tới cơ thể phụ nữ có những thay đổi, đặc biệt là những gen quy định sự phát triển của buồng trứng sẽ làm cho phụ nữ dễ bị đa nang buồng trứng.

Vì thế, nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái mắc phải hội chứng này thì bạn cũng có nguy cơ cao bị đa nang buồng trứng.

Do quá trình lựa chọn trứng phát triển bị rối loạn

Với phụ nữ bình thường, hàng tháng sẽ có một nang trứng trội được chọn ra trong các nang phát triển để phóng thích vào vòi trứng. Nếu trứng và tinh trùng kết hợp thì sẽ xảy ra quá trình thụ thai, còn nếu không thì phụ nữ sẽ có kinh nguyệt.

Tuy nhiên, với những người bị hội chứng buồng trứng đa nang, quá trình lựa chọn trứng phát triển vượt trội bị rối loạn. Cơ thể mất nhiều thời gian để phân tích và lựa chọn trứng, do đó trứng không phát triển hoàn thiện. Vì thế mà chu kỳ rụng trứng thưa hơn bình thường.

Do cơ thể kháng insulin

Insulin là hormone nội tiết quan trọng được sản xuất từ tuyến tụy. Insulin được sử dụng để chuyển hóa đường giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thế nhưng, ở một vài người cơ thể sẽ phản ứng với đề kháng insulin làm ngăn cản quá trình chuyển hóa đường. Do đó, tuyến tụy sẽ đẩy mạnh sản xuất insulin dẫn tới dư thừa hormone này.

Lượng insulin tăng cao bất thường là nguyên nhân tác động xấu tới buồng trứng. Nó khiến cho buồng trứng tiết ra nhiều Androgen hơn gây cản trở sự phát triển bình thường của nang trứng và làm giảm khả năng rụng trứng. Đây cũng là nguyên do gây ra hàng loạt các rắc rối khác như là thèm ăn khiến cân nặng tăng cân bất thường, mọc nhiều mụn trứng cá, rụng tóc…

Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe phụ nữ?

Thứ nhất, sự rối loạn nội tiết từ hội chứng buồng trứng đa nang sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều tới chức năng sinh sản của phụ nữ. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt, có khoảng vài trăm nang noãn được huy động để phát triển. Nhưng do sự rối loạn này nên các nang noãn chỉ phát triển nửa chừng rồi ngưng lại, do đó không xảy ra hiện tượng rụng trứng. Qua nhiều năm thì buồng trứng sẽ tích tụ càng nhiều nang trứng nhỏ. Thay vì 28- 32 ngày có kinh nguyệt 1 lần thì tới tận 5 -6 tháng mới phóng kinh 1 lần, số lần phóng noãn trong năm ít đi nên phụ nữ sẽ khó thụ thai hơn và dần trở thành hiếm muộn, vô sinh.

Thứ hai, hội chứng này gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Kinh nguyệt không đều nên nên nội mạc tử cung không bong ra hàng tháng để đổi mới mà cứ dày lên liên tục. Lớp nội mạc dày lên làm tăng nguy cơ bị tăng sản nội mạc tử cung có thể chuyển biến thành ung thư nội mạc tử cung. Trường hợp này thường xảy ra với những người bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.

Thứ ba, Hormone nội tiết nam Androgen quá nhiều cũng là một trong những nguyên do khiến những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang dễ mắc bệnh béo phì, các bệnh lý về tim mạch, bệnh về tuyến vú hay tiểu đường kèm theo nhất là tiểu đường tuýp 2.

Thứ tư, Hội chứng buồng trứng đa nang cũng khiến không ít chị em gặp các vấn đề phiền toái về vẻ bề ngoài như tình trạng mụn trứng cá, hói đầu hay rậm lông nên ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và sinh hoạt hằng ngày.

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang thế nào?

Hiện nay, hội chứng buồng trứng đa nang vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Mục tiêu chủ yếu là điều trị hỗ trợ tùy thuộc vào tình trạng và mong muốn cụ thể của người bệnh.

AD

Đa phần các trường hợp, phụ nữ đều mong muốn được điều trị để sớm có con. Vì vậy, trước hết họ cần thay đổi chế độ sinh hoạt hợp lý để đưa chỉ số khối cơ thể về mức bình thường. Những phụ nữ bị thừa cân cần tích cực vận động thể dục thể thao kết hợp với chế độ ăn uống giảm bớt đường, chất béo, tăng lượng rau củ, trái cây.

Người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc hỗ trợ sinh sản như Metformin, Clomiphene, Letrozole, Gonadotropins. Các loại thuốc này có khả năng kích thích sự phát triển của nang trứng giúp cho quá trình rụng trứng diễn ra bình thường để gia tăng tỉ lệ thụ thai.  Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải hết sức cẩn thận và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ vì nó có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng.

Nếu sau 6 tháng đến 1 năm điều trị bằng thuốc không có hiệu quả thì các chị em nên tới phòng khám tư vấn vô sinh hiếm muộn để tiếp tục điều trị bằng các phương pháp khác như:

  • Thụ thai nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung
  • Thụ tinh trong ống nghiệm
  • Phẫu thuật nôi soi đốt điểm buồng trứng. Phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm cao, vì có những trường hợp thực hiện không đúng Kỹ thuật gây chảy máu trong ổ bụng hoặc đốt quá nhiều sẽ tiêu diệt hết các nang noãn làm suy buồng trứng sớm.

Ngoài ra, những phụ nữ không còn nhu cầu sinh sản nhưng mong muốn được điều trị vấn đề về rối loạn kinh nguyệt thì có thể dùng thuốc ngừa thai để điều hòa vòng kinh. Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyến cáo chị em sử dụng nhiều vì lạm dụng thuốc tránh thai lâu ngày có thể làm cho nội mạc tử cung dày lên, tăng sinh nội mạc tử cung.

Những trường hợp khác gặp vấn đề về mụn trứng cá, hói đầu hay rậm lông thì nên tới bác sĩ da liễu hay những trung tâm thẩm mỹ để cải thiện.

AD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sticky Ad
×